“Rốn lũ” thành làng du lịch nhờ một công ty tư nhân
Cách trung tâm thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chừng 12 km, xã Tân Hóa nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi đá vôi trùng điệp.
Những ngày cuối tháng 10, PV Báo Giao thông quay trở lại Tân Hóa. Lối vào làng vẫn là con đường độc đạo bê tông xi măng sạch bóng, uốn lượn quanh co bên chân núi; hai bên đường là những ngôi nhà gỗ hay những căn nhà nổi tránh lũ được trang trí màu sắc nổi bật.
Nhưng lần này, chúng tôi cảm nhận, người dân Tân Hóa đã vui hơn, tự hào hơn khi làng quê của họ vừa được vinh danh là Làng du lịch tốt nhất trên thế giới.
Tiếp chuyện PV, ông Đinh Minh Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình hồ hởi: Sau bao công sức nỗ lực của cả chính quyền địa phương, người dân và Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis), giờ đây người dân, du khách đã biết đến Tân Hóa là làng du lịch tốt nhất thế giới chứ không phải là “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình như xưa nữa.
Ông Hiền chia sẻ, từ bao đời nay người dân Tân Hóa sống quần tụ dưới chân thung lũng, đối mặt với thiên tai như một lẽ thường tình. Mưa lũ, khó nghèo cứ bám riết lấy bao đời con cháu họ khiến Tân Hóa từng là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Quảng Bình.
Theo hướng chỉ tay của Bí thư xã, chúng tôi hướng mắt về con sông Rào Nan, chảy uốn lượn quanh xã, đẹp thơ mộng. Theo ông Hiền, đến mùa mưa lũ, nước từ trên các vùng thượng nguồn đổ về đỏ ngầu, sôi sục khiến cho con sông trở nên hung dữ lạ thường.
Khi mưa tràn qua, người dân Tân Hóa phải khốn khổ chạy lũ.
Nhà phao đổi đời người dân
Anh Thái Xuân Lực – hộ dân tiên phong làm căn nhà phao đầu tiên trong xã cho biết, sau cơn lũ lịch sử năm 2010, anh tình cờ đi đến các nhà hàng nổi, thấy họ làm nhà phao nổi lềnh bềnh trên mặt nước bằng các thùng phuy nhựa. Anh về nhà, bắt chước làm theo và quả thật nó phát huy tác dụng ngay trong những mùa lũ tiếp sau này.
Kể từ đó đến nay, người dân Tân Hóa sống thoải mái trên những căn nhà phao, nước lên đến đâu, nhà nổi đến đó. Khi mùa mưa đến, họ dự trữ thực phẩm, nước sạch trên nhà nổi đủ cho khoảng 7-10 ngày mà không phải trông cậy vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Đi dạo trên các con đường làng ở Tân Hóa, PV ghi nhận vùng quê này đã thay đổi hoàn toàn. Từ một làng quê quanh năm đối diện với khó nghèo, mưa lũ, chật vật mưu sinh dưới những lèn núi đá vôi, Tân Hóa bắt đầu tham gia vào hoạt động du lịch của Oxalis.
Những người nông dân quanh năm chỉ biết đến ruộng ngô, nuôi bò hay ngược ngàn khai thác gỗ, nay đã tham gia các khóa tập huấn, đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn.
Giờ tan trường, những đứa trẻ hồ hởi trở về nhà trên con đường làng xanh mướt mắt. Chúng vẫy tay chào du khách tự nhiên như thể sự hiện diện của những người khách lạ đã trở thành điều quen thuộc nơi này.
Trong khung cảnh thanh bình ấy, ngoài các đoàn du khách trong nước, cũng rất dễ dàng bắt gặp những vị khách người châu Âu.
Chia sẻ với PV, anh Robet cho biết, anh biết đến Tân Hóa là từ những người bạn, nghe họ kể nhiều về nơi đây nên vợ chồng anh muốn đến trải nghiệm.
“Thật là thú vị khi được đạp xe dạo quanh những cung đường xanh mướt giữa đồi ngô, ruộng lúa và ngắm những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh. Sáng thức dậy, mở cửa sổ nghe tiếng chim hót, ngắm những rặng núi xa xa là trải nghiệm sẽ khó quên với chúng tôi…” anh Robet vui vẻ chia sẻ.
Khách ngủ trên nhà phao, ăn cơm dân nấu
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Công ty Oxalis) cho biết, từ sáng kiến xây dựng nhà phao chống lũ mà người dân đã dần thích ứng với điều kiện của thời tiết và bắt đầu tham gia vào các hoạt động du lịch của Oxalis.
Năm 2011, Oxalis bắt đầu triển khai các tour mạo hiểm khám phá hệ thống hang động Tú Làn.
Hơn 10 năm qua, các hoạt động du lịch đã trực tiếp tạo việc làm thường xuyên cho hơn 120 người dân Tân Hóa, với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Các hoạt động du lịch cũng gián tiếp tạo việc làm và thu nhập cho hơn 100 lao động địa phương thông qua các hoạt động homestay, ăn uống tại nhà dân, cung ứng thực phẩm và các hoạt động khác.
Trước đây, với tour khám phá hệ thống hang động Tú Làn, Oxalis thường dẫn khách đi qua Tân Hóa mà ít có dịp lưu lại. Những năm gần đây, Oxalis đã cố gắng lưu khách lại trên những căn nhà nổi đã được cải tạo thành homestay.
Ghé thăm căn nhà nổi của gia đình anh Trương Mạnh Hùng, một trong 10 hộ đầu tiên của Tân Hóa làm dịch vụ homestay tại nhà, anh chia sẻ: lúc đầu, gia đình tôi cũng như bao hộ dân Tân Hóa, làm nhà nổi để đề phòng lũ lụt ập đến. Sau này, được sự hỗ trợ của công ty Oxalis, tôi bắt đầu trang trí lại cảnh quan, vườn tược. Căn nhà nổi cũng được bài trí lại để phục vụ cho nhu cầu lưu trú ngắn ngày của khách du lịch.
“Vào mùa mưa, khách đến Tân Hóa ít hơn. Giá dịch vụ cho 2 khách lưu trú tại nhà thường dao động từ 920.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/phòng…”, anh Hùng thông tin.
Với sự hỗ trợ từ công ty Oxalis, nhiều nhà dân ở đây trở thành “đầu bếp xịn” khi cung cấp luôn bữa tối cho khách với các món đặc sản của địa phương.
Theo chị Thủy, dịch vụ ăn tối tại nhà dân được Oxalis mở ra vào cuối năm 2022, đến nay, có 7 nhà dân tham gia. Nhờ đó, khách có thêm trải nghiệm mà người dân Tân Hóa cũng có thêm thu nhập.
Oxalis Adventure Tours là công ty du lịch mạo hiểm, khám phá hang động thành lập năm 2011, có trụ sở chính đặt tại làng Phong Nha, Quảng Bình.
Bảo vệ môi trường tốt nhất có thể và phát triển cộng đồng là các tiêu chí khiến Oxalis trở nên khác biệt với các công ty du lịch khác. 95% lao động được sử dụng tại Oxalis Adventure là người bản địa trong vùng Phong Nha hoặc xã Tân Hóa.
Ông Trương Sơn Bài, 72 tuổi, ở thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa từng là Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, nay về hưu, ông cùng vợ phụ giúp các con nấu ăn phục vụ khách du lịch.
Ông Bài cho biết, từ khi nghỉ hưu, thời gian nhàn rỗi nhiều, tôi cùng vợ và các thành viên trong gia đình tham gia lớp bồi dưỡng nấu ăn do công ty Oxalis tài trợ. Mỗi ngày, chúng tôi đi gom những đồ ăn, thức uống đậm đà mùi vị bản địa như: cơm bồi, ốc, cá thính rồi nấu cho khách thưởng thức.
Trong lúc du khách ăn, chúng tôi sẽ giới thiệu về món ăn và cách để làm ra món đặc sản đó. Nếu du khách có nhu cầu lắng nghe kể chuyện, tôi sẽ kể cho du khách nghe về những kỉ niệm thời xa xưa, hay lúc chạy lũ dữ.
“Việc nấu ăn phục vụ khách du lịch không quá vất vả, còn mang lại cho gia đình một nguồn thu nhập ổn định từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Khi được gặp, được trò chuyện với du khách, đặc biệt là người nước ngoài đến nhà dùng bữa, tôi vui lắm” ông Bài chia sẻ.
Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages) là sáng kiến của UNWTO nhằm thúc đẩy du lịch trở thành một trụ cột trong phát triển nông thôn. Những ngôi làng được lựa chọn nhận giải phải có sự nổi bật về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; đồng thời có các hành động đổi mới, cam kết phát triển du lịch phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tham gia giải thưởng năm 2023 có 260 làng du lịch của 60 quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam góp mặt 4 làng du lịch. Sau một hành trình dài ghi dấu ấn đậm nét bằng những điểm độc đáo nổi bật, riêng có, Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam ghi danh vào những Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023.