Bỗng dưng thành… con nợ
Những ngày đầu tháng 8.2023, nhiều người dân nghèo ở xã Triệu Thuận viết đơn kêu cứu gửi đến Báo Thanh Niên, trình bày về hoàn cảnh bỗng dưng bị biến thành con nợ.
PV Thanh Niên tìm về thôn Dương Đại Thuận (xã Triệu Thuận), địa phương có đến 43 nạn nhân của Nguyễn Ngọc Hoàng, cựu tổ trưởng tổ tín dụng (Phòng giao dịch Nam Cửa Việt, Ngân hàng Agribank chi nhánh H.Triệu Phong). Vừa tới nơi đã thấy người dân chờ sẵn ở nhà cộng đồng thôn. Với những ánh mắt đỏ hoe, thất thần, họ không thể kìm nén được cảm xúc sau thời gian dài hứng chịu oan trái, nhất là sau phiên tòa sơ thẩm với nhiều lo lắng bất an. Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, họ đã để cho Nguyễn Ngọc Hoàng lừa đảo, biến họ thành những “con nợ” của ngân hàng. Trong khi đó, Hoàng ngang nhiên chiếm đoạt tiền của họ với nhiều thủ đoạn khác nhau.
Anh Lê Đức Tuấn (27 tuổi) kể tháng 7.2019, anh nhờ Hoàng làm thủ tục vay 100 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan và đã trả gần xong. Tuy nhiên đến giữa năm 2020, anh tá hỏa phát hiện khoản nợ bị “tăng” lên thành 300 triệu đồng. “Chúng tôi có vay thêm đâu mà lòi ra khoản nợ tận 300 triệu đồng? Gia đình tôi cũng không có tài sản thế chấp gì nhưng không biết làm cách nào Hoàng vẫn rút được 300 triệu đồng để chiếm đoạt. Tôi bây giờ về quê mở quán bán cháo sáng, mỗi tô 20.000 đồng, thì biết đến bao giờ trả được cái món nợ trời ơi này?”, anh Tuấn ngao ngán.
Tréo ngoe hơn là trường hợp anh Võ Văn Nam (32 tuổi). Năm 2019, anh Nam làm thủ tục vay 180 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động. Hoàng nhận hồ sơ (đã được gia đình anh Nam ký), sau đó thông báo ngân hàng không thể cho vay. Nhưng đến giữa năm 2020, anh Nam mới biết dù không vay được đồng nào nhưng anh vẫn là “con nợ” của ngân hàng với số tiền 180 triệu đồng. “Khoản nợ này như cái dằm trong lòng tôi, cứ nghĩ đến vừa giận vừa lo. Giận là vì mình có vay đâu mà giờ gánh nợ. Lo vì giờ lấy tiền đâu mà trả?”, anh Nam nói.
Chuyện vay vốn của bà Trần Thị Tâm cũng gặp sự cố. Năm 2018, thông qua Hoàng, bà Tâm làm hồ sơ vay 1 tỉ đồng để làm ăn, nhưng mới rút ra 600 triệu đồng. Đến năm 2020, bà Tâm phát hiện 400 triệu đồng để lại trong tài khoản ngân hàng đã… không cánh mà bay. “Sổ đỏ giờ mắc trong ngân hàng, lãi hằng tháng vẫn tính. Tôi muốn vay thêm làm ăn cũng không được mà muốn chuyển nhượng cũng không xong. Giờ đúng kêu trời không thấu”, bà Tâm đau xót.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp sau khi vay vốn, trả nợ được Hoàng thu tiền và gửi lại biên lai, nhưng đến nay khoản nợ vẫn… còn nguyên.
Kẻ lừa đảo nhận án tù, lấy ai trả nợ giúp dân?
Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các nạn nhân vay vốn ở Quảng Trị, Nguyễn Ngọc Hoàng đã bị khởi tố. Sau một lần bị tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chiều 19.7 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Hoàng 16 năm tù về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và 7 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hình phạt là 23 năm tù.
Theo nội dung vụ án, bị cáo lợi dụng sự tín nhiệm để đưa thông tin gian dối, chiếm đoạt hơn 14 tỉ đồng của 165 người dân và 1 tổ chức. Hoàng cũng giả chữ ký trên hồ sơ vay thế chấp để lừa chiếm đoạt của ngân hàng 2 tỉ đồng. Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Chính vì thế, ngoài hình phạt tù, tòa tuyên Hoàng phải trả lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt của người dân và khoản tiền lừa đảo ngân hàng.
Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm, sau khi nghe tòa tuyên án, tất cả bị hại của Hoàng đều không đồng tình và hiện họ đã nộp đơn kháng cáo. Họ uất ức bởi việc bỗng dưng trở thành con nợ là hết sức vô lý, cần được xem xét. Họ cũng cho rằng với việc Hoàng lãnh 23 năm tù, cơ hội trả nợ cho các bị hại hầu như bằng 0, đồng thời đề nghị xem xét trách nhiệm, vai trò của ngân hàng trong toàn bộ vụ án. “Có một vấn đề khác là từ khi vụ việc vỡ lở, ngoài khoản nợ 300 triệu đồng từ trên trời rơi xuống do Hoàng gây ra, phía ngân hàng tiếp tục tính lãi của khoản nợ này và số tiền lên tới 166 triệu đồng. Thế này, chúng tôi vừa thua đấm mà vừa thua đạp”, anh Tuấn bức xúc.
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Tổ trưởng Tổ vay vốn Agribank tại thôn Dương Đại Thuận, cho biết những nạn nhân của Hoàng ở thôn đều là người nghèo, làm nghề ngư nghiệp. “Cũng vì người dân thiếu hiểu biết và quá tin tưởng vào cán bộ nên mới mắc vào “kiếp nạn” này. Đề nghị các cấp cứu xét vì với họ những món nợ đó là quá lớn”, ông Khánh nói.
Phía ngân hàng nói gì?
PV Thanh Niên đã liên hệ lãnh đạo Ngân hàng Agribank chi nhánh H.Triệu Phong và được biết 3 năm qua, đơn vị cũng rất mệt mỏi vì vụ án. “Dù rất chia sẻ với các bị hại, nhưng phía ngân hàng cũng chỉ có thể làm theo pháp luật và các quy định của ngành. Vì như anh biết, Agribank cũng là bị hại của vụ án”, vị lãnh đạo chi nhánh ngân hàng này nói với PV.
Cũng theo thông tin từ lãnh đạo Agribank chi nhánh H.Triệu Phong, một ngày sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, đoàn công tác do Giám đốc và Phó giám đốc Agribank chi nhánh H.Triệu Phong đã về gặp trực tiếp người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của họ. “Về phía ngân hàng, chúng tôi cũng có lộ trình để hỗ trợ các bị hại. Trong đó, các khoản nợ liên quan đến vụ án sẽ được tạm thời khoanh lại. Sau này, nếu bà con trả nợ, muốn lấy lại sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – PV), ngân hàng sẽ miễn, giảm lãi. Riêng với các khoản lãi khá lớn liên quan đến những khoản vay của các bị hại (bị Hoàng chiếm đoạt) được chúng tôi nêu ở tòa chỉ là để làm rõ tội của Hoàng, chứ chắc chắn không áp dụng thực tế khi người dân đến trả gốc, lãi. Sắp tới, nếu các bị hại có nhu cầu vay vốn, chúng tôi sẽ tạo điều kiện kịch khung để họ được vay. Tính đến nay, có 15 hộ là bị hại của Hoàng, chấp nhận bỏ tiền trả ngân hàng, lấy lại sổ đỏ và vay số tiền lớn hơn để sản xuất kinh doanh”, vị lãnh đạo Agribank chi nhánh H.Triệu Phong cho biết.
NHIỀU THỦ ĐOẠN KHIẾN BỊ HẠI SẬP BẪY
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND và HĐXX đã chỉ ra hàng loạt hành vi, thủ đoạn của Nguyễn Ngọc Hoàng khi phạm tội như: yêu cầu người dân ký khống vào các hồ sơ vay vốn rồi thông báo hồ sơ không hợp lệ, nhưng thực tế bị cáo đã hoàn tất hợp đồng và lấy tiền; nhận làm đáo hạn tiền gốc, tiền lãi cho bị hại nhưng không nộp tiền về ngân hàng mà chiếm đoạt; nhận tiền gốc, tiền lãi hằng tháng của người dân khi họ đến trả cho ngân hàng (có xác nhận bằng phiếu thu) nhưng không nộp lại ngân hàng mà chiếm đoạt.