Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam:
Điều chỉnh văn bản pháp luật để phù hợp với thực tiễn là đòi hỏi khách quan
PV: Xin ông cho biết hoàn cảnh ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26-11-2014 (Luật Thuế 71). Vì sao luật này sẽ được đưa ra thảo luận, biểu quyết vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới đây?
Ông Lương Quốc Đoàn: Năm 2008, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Thuế GTGT, theo đó phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp thuộc nhóm đối tượng chịu thuế với mức thuế 5%. Sau đó cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương đã khiến nước ta gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là năm 2012-2013. Do đó cần có sự thay đổi chính sách để tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp.
Tại thời điểm đó, Quốc hội cũng đã thảo luận về 3 mức thuế 0%, 5% và 10% nhưng trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn nên năm 2014 Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật Thuế 71, trong đó quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT.
Tôi cho rằng, đối với bất kỳ sắc luật nào được ban hành, việc đánh giá tác động đến kinh tế – xã hội và mọi mặt của đời sống là hết sức quan trọng; và trong quá trình thực thi cũng không tránh khỏi còn có những bất cập do sự thay đổi của quá trình phát triển trong nước, cũng như chịu tác động bởi kinh tế thế giới, các chính sách, thỏa thuận hợp tác giữa các nước. Chính vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp luật nói chung và Luật Thuế GTGT nói riêng để phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn phát triển của đất nước là đòi hỏi hết sức khách quan.
PV: Hiện có một số ý kiến cho rằng, nếu áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón (theo dự thảo của Bộ Tài chính) có thể gây áp lực lên giá phân bón, ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?
Ông Lương Quốc Đoàn: Theo tôi nắm được, hiện nay đang có hai luồng ý kiến thể hiện quan điểm. Quan điểm thứ nhất, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản không thuộc diện chịu thuế GTGT. Vì thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng nên nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì nông dân phải chịu tác động do giá phân bón tăng khi có thuế GTGT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Quan điểm thứ hai, đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5%, khi đó sẽ làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào của sản xuất sẽ không hạch toán vào chi phí, mà được khấu trừ vào thuế đầu ra. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế, đồng nghĩa các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán.
Tôi nghĩ rằng, đối với bất cứ phương án nào cũng đều có những tác động nhất định đến nền kinh tế nói chung, trực tiếp là tác động đến người nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh nói riêng. Do đó, cần tiếp tục có những nghiên cứu thấu đáo, phân tích kỹ lưỡng những lợi ích và tác động mang lại, bảo đảm phương án đó phải giải quyết được hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tạo cơ sở để Quốc hội quyết định lựa chọn phương án tối ưu.
Vườn sầu riêng sử dụng Phân bón Phú Mỹ
PV: Vâng, nhưng theo nhiều vị đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, chuyên gia thuế cũng như nhà khoa học, việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ mang lợi ích cho cả người nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp?
Ông Lương Quốc Đoàn: Như tôi đã nói ở trên, để làm rõ việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón mang lợi ích cho người nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp như thế nào thì các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải có những nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, chứng minh rõ ràng để bảo đảm tính thuyết phục về những lợi ích mang lại cũng như làm rõ những tác động đến nền kinh tế và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ đối với phân bón mà cả đối với ngành nông nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nếu áp thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón, ngân sách Nhà nước sẽ tăng thu khoảng 6.200 tỉ đồng. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ mang lợi ích cho cả người nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến đánh giá việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ tác động bất lợi đến người nông dân vì nguồn tăng thu ngân sách sẽ thu từ việc sử dụng sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp, 5% GTGT sẽ cấu phần vào và làm tăng giá thành nông sản. Ngoài ra, một số ý kiến nhất trí đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế nhưng với thuế suất 0%.
Chính vì vậy cần phải làm rõ nguồn tăng thu ngân sách là từ đâu? Tác động như thế nào đến thu nhập của người nông dân, đến hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp…, trên cơ sở đó quyết định có hay không áp thuế GTGT đối với phân bón và nếu có áp thuế GTGT thì thuế suất ở mức bao nhiêu là phù hợp.
Dù ở góc độ nào cũng cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân, trong đó cần quan tâm nhiều đến người nông dân, bởi lẽ nông dân là lực lượng đông đảo, là lao động chủ yếu của quá trình sản xuất nông nghiệp, đối tượng trực tiếp tiêu dùng phân bón, nhất là khi hiện nay nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng đến người nông dân.
Cảng xuất hàng của Phân bón Cà Mau
PV: Một số chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, hiện đang có sự thiếu công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu. Doanh nghiệp nước ngoài được khấu trừ thuế đầu vào (do nước sở tại áp thuế đầu ra 5-20%). Theo ông làm thế nào để lập lại sự công bằng?
Ông Lương Quốc Đoàn: Lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán phân bón giữa các doanh nghiệp liên quan đến nhiều yếu tố, từ vật tư đầu vào, máy móc, công nghệ sản xuất cho đến thị trường tiêu thụ và liên quan đến các chính sách ưu đãi, khuyến khích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp tham gia đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan và tuân theo các nguyên tắc của thị trường. Do đó, trong trường hợp có sự thiếu công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu phân bón thì Nhà nước cần có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách có liên quan không chỉ đối với hoạt động sản xuất phân bón mà cả kinh doanh phân bón, nhưng phải bảo đảm cam kết theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
PV: Theo đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh cũng như cân bằng với chính sách đối với các nước khác. Ông có đồng tình với ý kiến trên?
Ông Lương Quốc Đoàn: Như đã phân tích, sức cạnh tranh về giá thành và giá bán phân bón giữa các doanh nghiệp liên quan đến nhiều yếu tố, chính vì vậy cần có những nghiên cứu, phân tích toàn diện để Quốc hội quyết định có hay không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón. Còn về lý thuyết, khi doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được hoàn thuế, họ sẽ có điều kiện để tăng đầu tư, tái đầu tư cho sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
PV: Một số chuyên gia về thuế cho rằng, về mặt cảm quan, áp thuế vào mặt hàng phân bón sẽ làm tăng giá sản phẩm, nhưng thực tế có thể không như vậy. Ví dụ, hiện nay doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên họ phải tính vào giá thành sản phẩm. Nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT, doanh nghiệp được khấu trừ và chi phí sản xuất giảm nên họ có dư địa lớn để cạnh tranh, giảm giá. Ông có đánh giá gì về ý kiến này?
Ông Lương Quốc Đoàn: Như đã phân tích ở trên, hiện nay vẫn đang có hai luồng ý kiến thể hiện quan điểm khác nhau về việc áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón. Về mặt lý thuyết, nếu được hoàn thuế 5% thì chi phí sản xuất giảm vì không phải hạch toán vào chi phí nên doanh nghiệp có dư địa để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh, giảm giá bán; còn nếu không được khấu trừ thì các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy tăng giá phân bón.
Thực tế vẫn có thể xảy ra trường hợp mặc dù được khấu trừ nhưng giá phân bón không giảm bởi vì giá phân bón bán ra là do doanh nghiệp quyết định, tuân theo quy luật thị trường. Nhưng cũng cần lưu ý, phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và thuộc mặt hàng bình ổn giá. Do đó khi giá hàng hóa có biến động bất thường thì thông qua các công cụ quản lý của Nhà nước để có các biện pháp, giải pháp bình ổn giá thị trường phân bón.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Về mặt lý thuyết, nếu phân bón được hoàn thuế 5% thì chi phí sản xuất giảm vì không phải hạch toán vào chi phí nên doanh nghiệp có dư địa để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh, giảm giá bán.
Minh Khang
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/f718e400-a331-48d8-bdb2-9ba2ca631fb2