Từ cơn sốt phim “Đào, phở và piano”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, hãy cứ để cho điện ảnh phát triển theo quy luật tự nhiên của nó, việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ nên làm một cách thận trọng và tế nhị.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. |
Những ngày qua, “Đào, phở và piano” – bộ phim đẹp về Hà Nội gây sốt. Theo bà, lý do nào khiến “Đào, phở và piano” tạo được hiệu ứng tốt như vậy?
Trước hết, đó là một bộ phim đẹp. Đẹp về câu chuyện và đẹp về hình ảnh cùng nghệ thuật dàn dựng. Câu chuyện dung dị, không “đao to búa lớn” với những khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà ta thường thấy trong những phim làm về giai đoạn này. Những khẩu hiệu ấy là hiện thực lịch sử của giai đoạn ấy, nhưng người xem, nhất là người xem trẻ hôm nay vẫn không dễ dàng tiếp nhận.
Với “Đào, Phở và Piano”, người xem cảm nhận tinh thần ấy thông qua số phận những con người vốn được coi là nhỏ bé, chìm khuất trong đời sống đô thị khi đô thị ấy còn lung linh, sầm uất.
Trong những khoảnh khắc cuối cùng của họ, họ sáng lòa nhờ sự tận hiến rất tự nhiên cho tình yêu với mảnh đất mà họ từng sống. Sự dung dị khiến khán giả cảm nhận tinh thần yêu nước mà không bị “thao túng”, hay phải cố gắng vì bất kỳ điều gì. Đó chính là yếu tố đầu tiên khiến khán giả muốn xem bộ phim này.
Để thể hiện tinh thần ấy, đạo diễn đã chọn được những diễn viên “không thể đúng hơn”. Họ như những con người được đạo diễn nhấc vào, đặt trong bối cảnh ấy. Họ sống với nhân vật bằng tiềm thức của mình, bằng tình yêu với Hà nội như là một phần bản thể, chỉ cần bộc lộ nó thôi.
Bộ phim được đánh giá bởi kịch bản chỉn chu, dàn diễn viên thực lực. Nhưng còn yếu tố nào nữa, theo bà?
Tôi đã nói về kịch bản và diễn viên nhưng đúng là chỉ vậy thôi thì chưa đủ “duyên” cho một bộ phim có thể gây ấn tượng mạnh. Với câu chuyện “không có kẻ xấu”, tạo được mâu thuẫn kịch thật khó. Bù lại, bối cảnh được dựng tỉ mỉ, tính toán đến từng chi tiết nhỏ nhất để tạo nên cảm giác chân thực cho hình ảnh là một yếu tố nữa rất quan trọng.
Trên cái nền ngổn ngang của chiến địa ấy, một câu chuyện tình thật đẹp đã bay lên, những cái chết “nhẹ như không” của Hà nội gây cảm giác thán phục nhiều hơn là đau thương. Ngoài ra, nhịp điệu hợp lý của phim cũng là một điểm cộng không nhỏ. Những tình tiết nhỏ liên tiếp diễn ra, không đoán trước được… khiến bộ phim có tiết tấu tươi trẻ, phù hợp với người xem hôm nay.
Cuối cùng, âm nhạc được sử dụng quá thông minh. Ca trù hòa trộn với âm nhạc phương Tây, âm hưởng buông bắt đúng lúc đúng chỗ… Tôi nghĩ ít có bộ phim nào mà âm nhạc được dùng nhiều thế, đa dạng thế mà không hề gây cảm giác ồn ào, xáo trộn tâm lý người xem.
Theo bà, cần làm gì để những bộ phim như “Đào, phở và piano” có thể tiếp cận nhiều hơn với khán giả?
Tôi nghĩ, câu chuyện phát hành các bộ phim được làm từ ngân sách nhà nước ra với công chúng luôn là một bài toán khó. Dòng phim này chưa bao giờ có kinh phí dành cho truyền thông. Ngay cả khi có các nhà sản xuất và phát hành tư nhân góp sức vào, thì chính sách chia sẻ quyền lợi cũng rất mù mờ (chuyện này đã xảy ra với phim “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” làm từ cách đây hơn chục năm).
Trước mắt, với “Đào, Phở và Piano”, có lẽ các cơ quan quản lý của điện ảnh phải tính đến một phương thức hợp tác ngắn hạn với các nhà phát hành tư nhân trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Làm một lần, để có cơ sở tính đến một chính sách dài hơi và dần đưa các nguyên tắc cộng tác vào Luật Điện ảnh. Việc các bộ phim được quy ước phải làm sao để đến được với khán giả cũng sẽ khiến các nhà làm phim phải định hướng, điều chỉnh lại tư duy của mình, học hỏi nhiều hơn, cầu thị nhiều hơn để có những bộ phim thực sự vì khán giả mà tồn tại.
Mặc dù vậy, cũng phải nói thêm rằng trên thế giới, không có nền điện ảnh nào dám khẳng định phim của họ làm ra là thắng. Điện ảnh vốn có nhiều dòng phim, trong đó có dòng phim nghệ thuật kén khách và phim thương mại, ở nước nào cũng vậy. Có quá nhiều yếu tố nghề nghiệp cần phân tích để có cái nhìn công bằng với các tác phẩm nghệ thuật.
Từ cơn sốt với bộ phim này, hẳn là người trẻ rất quan tâm đến lịch sử? Phải chăng cần nhiều những bộ phim như thế?
Phim lịch sử nếu làm hay thì đương nhiên sẽ được khán giả trẻ đón nhận. Nhưng nếu vì thế mà cả nước đổ xô đi làm phim lịch sử là rất… hài hước. Tôi nghĩ, hãy cứ để cho điện ảnh phát triển theo quy luật tự nhiên của nó, việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ nên làm một cách thận trọng và tế nhị.
Trong hoàn cảnh đồng vốn đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh còn ít như hiện nay, đòi hỏi có nhiều phim lịch sử là không thực tế. Những bộ phim lịch sử nói về những số phận cá nhân với bối cảnh gọn và giàu mỹ cảm thì có thể làm được.
Nhưng khi đó, đòi hỏi về kịch bản phải vô cùng khắt khe và người viết kịch bản phải rất cao tay. Đồng thời, từ khi kịch bản mới là bản nháp hay phác thảo, người viết phải biết nghe ngóng nhu cầu của khán giả, nhất là khán giả trẻ vốn là phân khúc quan trọng của mặt bằng khán giả nói chung.
Nói vậy tức là, người trẻ không thờ ơ với các đề tài lịch sử, điều quan trọng là phim cần được thực hiện nghiêm túc và có cách tiếp cận mới lạ?
Tôi cho rằng người trẻ hay người già đều không thờ ơ với phim lịch sử. Tuy nhiên, ở từng thời điểm phát triển của xã hội, nhu cầu khán giả không giống nhau. Ở thời điểm hiện tại, việc nhìn các sự kiện lịch sử dưới góc nhìn u uất, thắng thua không phù hợp nữa.
Nhưng cách tiếp cận mới lạ như thế nào là vừa độ để khán giả không “soi” thấy những sai sót quá lố, đồng thời thông điệp của các sự kiện hoặc nhân vật lịch sử ấy không trở nên khô cứng, lên gân… lại phụ thuộc vào trầm tích lịch sử trong chính người sáng tác. Nói tóm lại, phim lịch sử sẽ mãi mãi là niềm khát khao của khán gỉa và là một thách đố “khó nhằn” với người sáng tác.
Xin cảm ơn bà!
Trịnh Thanh Nhã là nhà biên kịch nữ hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam thành công cả ở trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Hơn 35 năm trước, bà chạm ngõ điện ảnh và gặt hái được thành công với kịch bản đầu tay “Chuyện cổ tích cho tuổi 17” với Giải Biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VIII năm 1988. Trong vai trò biên kịch, bà là tác giả của một số bộ phim điện ảnh: Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Giải hạn, Tráng sĩ Bồ Đề, Cạm bẫy tình… Bà cũng là tác giả nhiều kịch bản phim truyền hình như: Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ, Ngã ba thời gian, Con nhện xanh, Mã số thần kỳ, Lối rẽ, Những bông hồng xanh, Chuyện làng bè, Chạm tới bình minh, Huế – mùa mai đỏ, Ám ảnh xanh, Ngược sóng, Trò đời… |