Biểu diễn tuyên truyền chủ đề về dân số và gia đình. Ảnh: Ánh Nguyệt
Nhóm tỉnh có mức sinh thấp
Mức sinh trên địa bàn tỉnh đã khống chế thành công. Quy mô DS của tỉnh ước đến cuối năm 2023, với tỷ lệ tăng DS tự nhiên là 0,4%. Quy mô DS của tỉnh tăng chậm lại. Số con trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (TFR) giảm nhanh. Cụ thể, giảm từ 3,2 con năm 1993 xuống 2,33 con năm 1999 và 1,84 con năm 2020. Mức sinh đã giảm ở tất cả các huyện, thành phố và xuống dưới mức sinh thay thế (TFR dưới 2,1 con).
Đây là thành công lớn mà Chương trình DS-KHHGĐ đã đạt được trong thời gian qua, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh. Kết quả công tác DS góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh trong từng giai đoạn.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh đang trong xu hướng giảm sinh rất nhanh, nếu mức sinh tiếp tục giảm sâu dẫn đến những hệ lụy khó lường: Sự chênh lệch mức sinh giữa các huyện, thành phố ngày càng tăng dần. Vùng nông thôn mức sinh đã thấp, vùng thành thị của tỉnh có mức sinh còn thấp hơn. Mức sinh có sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng, một số vùng, địa phương huyện, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển, đô thị hóa cao thì mức sinh có xu hướng giảm mạnh. Các huyện, thành phố có mức sinh thấp đều nằm ở vùng kinh tế trọng điểm tỉnh, tiếp tục giảm và giảm sâu (TP. Bến Tre). Tỷ lệ nhóm DS “trong độ tuổi lao động” giảm nhanh. Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh có chiều hướng mất cân bằng ngày càng cao.
Nhận định tỉnh nằm trong nhóm tỉnh có mức sinh thấp cần được quan tâm điều chỉnh phù hợp, nhằm hướng tới ổn định quy mô DS và cơ cấu DS hợp lý.
Điều chỉnh mức sinh phù hợp
Ngày 28-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình ĐCMS phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Xuất phát từ thực trạng mức sinh của tỉnh, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ về chương trình ĐCMS, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hành động ĐCMS phù hợp đến năm 2030 và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh với những nội dung trọng tâm như sau: Đối tượng chính cần tập trung truyền thông và vận động là nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ; lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị; doanh nghiệp, tổ chức; người có uy tín, người đứng đầu tổ chức tại cộng đồng, tôn giáo, cá nhân liên quan.
Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh là 0,4%. Ảnh: CTV
Theo số liệu tổng tỷ suất sinh trung bình 5 năm gần nhất (2015 – 2020), Bến Tre được xếp vào các tỉnh, thành phố có tổng tỷ suất sinh dưới 2 con cụ thể đến năm 2020 là 1,84 con. Trong giai đoạn 2021 – 2025, cần được can thiệp điều chỉnh phù hợp. Giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh tiếp nhận việc công bố của Bộ Y tế danh sách các tỉnh, thành phố mức sinh theo vùng giai đoạn mới, trên cơ sở báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch ĐCMS giai đoạn 2021 – 2025 để làm cơ sở tiếp tục điều chỉnh đến năm 2030 cho phù hợp.
Giai đoạn 2021 – 2025: Triển khai các hoạt động của kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh về mức sinh phù hợp đến các huyện, thành phố có mức sinh thấp thí điểm và mở rộng mô hình khuyến khích cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Giai đoạn 2026 – 2030: Đánh giá, điều chỉnh, mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động; bổ sung chính sách, biện pháp ĐCMS.
Mục tiêu cơ bản của kế hoạch là: Điều chỉnh duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu tăng mức sinh ở những huyện, thành phố có mức sinh thấp, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động của tỉnh thực hiện Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu tăng 10% tổng tỷ suất sinh của tỉnh đến năm 2030 và trong giai đoạn kế hoạch tăng 5% số cặp vợ chồng sinh đủ 2 con tại các huyện, thành phố.
Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con
Để thực hiện đạt được các mục tiêu đã đề ra và có được kết quả khả quan rất cần sự đồng thuận của toàn xã hội. Đặc biệt, các nhóm đối tượng nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trước mắt, rất cần cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo, nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng công tác DS từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Đồng thời, thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, với thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” trên phạm vi cả tỉnh.
Tăng cường các hoạt động truyền thông, lồng ghép tuyên truyền, vận động với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và thuyết phục phù hợp với văn hóa, tập quán, từng nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ với nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục về DS, sức khỏe sinh sản (SKSS) trong và ngoài nhà trường cho giáo viên phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi trong hệ thống giáo dục nhằm đưa các nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác DS trong tình hình mới. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền nội dung chuyển hướng chính sách về quy mô DS từ tập trung vào nỗ lực giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh. Chú trọng thực hiện vận động sinh đủ 2 con, nhất là ở những nơi có mức sinh thấp.
Chú trọng việc phổ cập dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS tới mọi người dân đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ, không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn. Lồng ghép các hoạt động phổ cập dịch vụ SKSS/KHHGĐ với chương trình củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030, quan tâm hỗ trợ cho nhóm đối tượng diện nghèo và cận nghèo tham gia tiếp cận các dịch vụ SKSS/KHHGĐ.
Triển khai các loại hình phòng tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác DS các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng lồng ghép các nội dung ĐCMS vào nhiệm vụ, hoạt động của các ngành, đoàn thể các cấp. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, tập huấn lại đội ngũ cộng tác viên DS; nghiên cứu khoa học và hệ thông tin quản lý về quy mô DS, mức sinh trong mối quan hệ qua lại với phát triển kinh tế – xã hội; các nghiên cứu tác nghiệp về những giải pháp, can thiệp nhằm ĐCMS phù hợp cho từng giai đoạn. Củng cố, hoàn thiện hệ thống chỉ báo, chỉ tiêu về quy mô DS và mức sinh. Đưa chỉ tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế vào hệ thống các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.
Tăng cường các hoạt động tham mưu để dự toán chi của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác DS, lồng ghép công tác DS theo quy định. Đồng thời, tranh thủ nguồn kinh phí để được hỗ trợ từ Trung ương, nguồn xã hội hóa để tiếp tục bảo đảm đủ chi phí dịch vụ KHHGĐ bao gồm cả phương tiện tránh thai cấp cho người dân tại các địa phương có đối tượng ưu tiên. Khuyến khích người dân sinh đủ 2 con tại các huyện, thành phố.
Nhiệm vụ ngành dân số trong thực hiện kế hoạch điều chỉnh mức sinh phù hợp
Trong thời gian tới, để tổ chức thực hiện thành công Kế hoạch hành động điều chỉnh mức sinh (ĐCMS) phù hợp đến năm 2030 của tỉnh, ngành dân số (DS), đặc biệt là Sở Y tế phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch ĐCMS trên phạm vi toàn tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan trong tổ chức thực hiện. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhóm đối tượng, địa phương liên quan đến sinh đủ hai con, góp phần thành công ĐCMS phù hợp của tỉnh. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Hàng năm, lồng ghép tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch. Tham mưu đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2026 – 2030.
Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành có liên quan: chủ trì, phối hợp để cân đối và phân bổ nguồn lực; cơ chế, chính sách và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Lồng ghép giải quyết tốt các vấn đề xã hội có liên quan đến bình đẳng giới. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Phối hợp thực hiện giáo dục về nội dung nâng cao chất lượng DS, phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục vị thành niên – thành niên phù hợp khu vực thành thị và nông thôn. Lồng ghép đưa chính sách DS vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới”; về bình đẳng giới; mất cân bằng giới tính khi sinh. Hướng dẫn cộng đồng và người dân giám sát kết quả thi hành pháp luật và thực hiện chính sách liên quan đến chất lượng DS. Lồng ghép việc cải thiện mức sinh trong xây dựng quy ước, hương ước nông thôn trong thực hiện công tác DS – phát triển. Vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên, chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia thực hiện các mục tiêu và hoạt động của kế hoạch. Hướng dẫn cấp huyện, thành phố cân đối bố trí kinh phí triển khai tại địa bàn hàng năm đến năm 2030.
|
Lê Thắm