DNVN – Việc Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh, tương đương mức tăng 4,8% kể từ ngày 11/10 tạo thêm áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 4,8% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tăng giá điện lên 2.103,11 đồng/kWh, tương ứng 4,8% không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, giới doanh nghiệp cho rằng, cho dù đã chủ động để thích ứng nhưng việc tăng giá điện này tạo thêm áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Bạch Hồng Long – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% tạo thêm áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để ứng phó, doanh nghiệp đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh…
Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp ý thức rằng việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện. Tuy nhiên việc tăng ở thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới hồi phục cuối năm nay.
Việc tăng giá điện tạo thêm áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, bản thân ngành dệt may đã đặt ra các giải pháp cho mục tiêu phát triển, trong đó các doanh nghiệp đã sử dụng điện mặt trời (điện áp mái). Hiện nay, một số doanh nghiệp như May 10, Việt Tiến… đã đầu tư điện áp mái để giảm bớt khó khăn về chi phí điện.
Từ thách thức của tăng giá điện thì các doanh nghiệp của ngành dệt may cũng phải tính toán đến thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao cân bằng được giá thành, bảo đảm cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.
Ông Lê Mai Hữu Lâm – Tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi cho biết khi giá điện tăng tác động mạnh mẽ đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Trong thời điểm đơn hàng vẫn chưa phục hồi và thị trường đang đối mặt với nhiều khó khăn, việc chi phí điện tăng sẽ khiến giá thành sản phẩm leo thang, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó.
Các doanh nghiệp đang buộc phải cạnh tranh khốc liệt để duy trì thị phần. Doanh nghiệp không thể dễ dàng tăng giá bán do sợ mất khách hàng, trong khi chi phí sản xuất ngày càng cao. Việc tiết giảm tối đa các chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất là lựa chọn bắt buộc, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Căng thẳng chính trị toàn cầu có thể đẩy giá nhiên liệu lên cao hơn nữa, khiến chi phí đầu vào tiếp tục tăng, gây thêm gánh nặng cho các nhà sản xuất.
“Giá điện tăng gần 5% buộc chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu, tối ưu quy trình. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp phải chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo để bớt phụ thuộc vào giá điện biến động”, ông Lâm phân tích.
Nhiều doanh nghiệp đều nhìn nhận việc tăng giá điện sẽ tăng thêm chi phí, song tùy quy mô và ngành nên tác động sẽ khác nhau.
Một số ý kiến từ doanh nghiệp logistics cho rằng ở lĩnh vực kho bãi sẽ không tăng đáng kể chi phí điện, mỗi tháng chỉ thêm vài triệu. Nhưng với các thiết bị sử dụng điện nhiều như cẩu container ở cảng biển dùng điện 3 pha, chi phí mỗi tháng sẽ tăng lên khá nhiều.
Với doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu, tăng giá điện khiến họ gặp khó. Dù doanh nghiệp đã có dự phòng cho việc tăng giá điện, nhưng vẫn khá bất ngờ khi không có thông tin chính xác về lộ trình điều chỉnh. Đơn hàng thường được đàm phán trong khoảng 3-6 tháng, việc giá điện tăng không có cảnh báo trước gây khó khăn trong việc tính toán chi phí.
Doanh nghiệp kiến nghị EVN cần có lộ trình tăng giá rõ ràng để doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất và xuất khẩu. Tình trạng tăng giá đột ngột khiến doanh nghiệp rất khó xoay xở
Đối với thị trường chứng khoán, đội ngũ phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) và Công Ty TNHH Chứng Khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cho rằng, việc tăng giá điện là tín hiệu tích cực đối với cổ phiếu ngành điện vì sẽ hỗ trợ dòng tiền của các nhà máy điện.
Trong khi cổ phiếu nhóm ngành thép, xi măng, hóa chất, giấy… sẽ chịu tác động ở chiều ngược lại. Tuy nhiên, cần lưu ý, mức độ biến động giá cổ phiếu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, ngoài giá điện.
Hà Anh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/dieu-chinh-gia-ban-le-dien-binh-quan-doanh-nghiep-noi-gi/20241014082012443