Bà Giàng Thị Sâu, dân tộc Mông bản Huổi Hoi, xã Nà Hỳ kể: Loài cây bó phón này không biết có từ bao giờ. Ngày còn nhỏ, tôi theo mẹ lên nương vào những ngày mùa tháng ba, hoa bó phón nở trắng trên những vách núi, sườn đồi tỏa hương bay khắp là mẹ tôi đi hái về làm xôi màu vàng cho chị em chúng tôi ăn. Bây giờ xã hội phát triển, tôi và dân bản hái hoa bó phón ra chợ bán và giới thiệu cho mọi người.
Ngoài dùng làm nguyên liệu nhuộm xôi màu vàng, hoa bó phón đun nước uống còn có tác dụng mát gan và bổ máu. Mỗi năm, cây bó phón chỉ nở hoa một lần vào mùa xuân, khoảng từ cuối tháng 2 đến tháng 3 dương lịch, hoa mới nở có màu trắng, nhỏ li ti kết hợp thành từng chùm có mùi thơm đặc trưng. Khi hoa nở thơm lừng trên những sườn núi, bà con lên rừng hái hoa về buộc thành từng chùm nhỏ, treo lên gác bếp cho khô, bảo quản để dùng dần. Trong những năm gần đây, trước nhu cầu thưởng thức món xôi độc đáo này, dân bản đã mang hoa bó phón ra chợ bán, mỗi bó 10.000 đồng để người dân và du khách địa phương mua về chế biến theo sở thích của mình.
Chị Hờ Thị Súa ở bản Huổi Chá, xã Chà Cang, một người yêu thích xôi bó phón cho biết: Ðể chế biến món xôi bó phón đầu tiên phải chọn loại gạo nếp nương thơm và hoa bó phón, kết hợp theo tỷ lệ 200 gam hoa bó phón, 2kg gạo nếp. Hoa bó phón sau khi được rửa sạch với nước rồi đun sôi với lượng nước vừa đủ khoảng 10 phút để lấy màu rồi lọc loại bỏ tạp chất, sau đó để nguội khoảng 30 độ rồi cho gạo vào ngâm từ 8 – 10 giờ để nước hoa ngấm vào từng hạt gạo, tiếp đến là cho gạo vào chõ đồ xôi nấu khoảng 30 – 45 phút thì xôi chín. Lúc này xôi có màu vàng, dẻo, thơm mùi đặc trưng của hoa bó phón. Trên các mâm cỗ của các dân tộc trên địa bàn huyện Nậm Pồ luôn hiện diện món xôi bó phón đặc trưng núi rừng Tây Bắc. Có dịp qua Nậm Pồ vào mùa xuân, mùa hè, du khách hãy nếm thử món xôi hoa bó phón để cảm nhận sâu sắc hơn những hương vị ẩm thực đậm đà, độc đáo của các dân tộc nơi đây.