Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tủa Chùa đã chủ động xây dựng kế hoạch, và thực hiện tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội cho 100% các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác, trong đó, chú trọng nguồn vốn vay giảm nghèo, xây dựng NTM. Nhờ đó, các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo hay khó khăn về nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư làm ăn, nâng cao đời sống.
Ðến nay, vốn tín dụng chính sách xã hội đã “phủ sóng” đến 100% xã, thị trấn trong toàn huyện, trong đó tập trung ưu tiên cho vay ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã xây dựng NTM. Nguồn vốn tín dụng chính sách được lồng ghép với công tác khuyến nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM tại địa phương.
Trước đây, gia đình anh Ðiêu Chính Luyến là một trong những hộ nghèo của thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa. Năm 2018, gia đình anh được tiếp cận chương trình vốn vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 100 triệu đồng. Gia đình anh Luyến đã đầu tư mô hình vườn, ao, chuồng. Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả nên gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định và thoát được nghèo. Anh Luyến chia sẻ: Vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tôi đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, lợn, gà và đào ao nuôi cá. Ðến nay mô hình kinh tế của gia đình tôi phát triển tốt, cho thu nhập mỗi năm từ 80 – 100 triệu đồng.
Trường hợp của gia đình anh Luyến là một trong những điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để thoát nghèo, góp phần xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Theo thống kê, hiện nay Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tủa Chùa đang thực hiện 15 chương trình cho vay. Năm 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách cho vay trên 422 tỷ đồng với 8.101 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay. Ðến tháng 10/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn hơn 455 tỷ đồng, với 8.335 hộ vay vốn còn dư nợ. Một số chương trình có doanh số cho vay lớn, như: Cho vay hộ nghèo gần 33 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn gần 13 tỷ đồng; hộ nghèo, cận nghèo gần 5,6 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo gần 3 tỷ đồng… Ðặc biệt là nguồn vốn triển khai cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dư nợ đạt hơn 7 tỷ đồng, chiếm 1,58% tổng dư nợ; hơn 180 hộ được vay vốn sửa chữa, làm mới nhà ở. Mỗi hộ gia đình được vay tối đa 40 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Theo đánh giá của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tủa Chùa, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng được hoàn thiện, giá trị văn hóa được bảo tồn, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Mặc dù đến nay, huyện Tủa Chùa chưa có xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nhưng đây là tiền đề, điều kiện để huyện nỗ lực phấn đấu xây dựng NTM. Thời gian tới Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội nhận ủy thác nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động giao dịch tại xã, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Thường xuyên rà soát, thống kê số hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để tạo điều kiện cho vay vốn kịp thời, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM trên địa bàn huyện.