Tham gia ý kiến vào báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024, đại biểu tập trung thảo luận về việc: Bố trí vốn để thực hiện chương trình cấp điện nông thôn; giải pháp cụ thể trong công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện giải ngân các nguồn vốn; các dự án cần được đầu tư đồng bộ; vấn đề thanh, quyết toán vốn đầu tư công kéo dài từ năm 2022 sang 2023…
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đánh giá: Đến thời điểm này, tiến độ giải ngân năm 2023 còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ so với kế hoạch đề ra là hết quý III giải ngân tối thiểu đạt 70%. Giải ngân vốn là tiêu chí cơ bản có định lượng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy các cấp, ngành, đơn vị xác định rõ trách nhiệm, phải hoàn thành giải ngân trước 31/12/2023 đối với nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 sang. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát phân bổ nguồn vốn đối với các dự án đã hoàn thành, các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn, dự án nằm trong bố trí vốn ở nhiều lĩnh vực. Các địa phương cần khẩn trương hoàn thành hồ sơ, quyết định phê duyệt dự án.
Đối với báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2022; các dự thảo tờ trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023 và thông qua hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2024 do Sở Tài chính trình tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính hoàn thiện nội dung báo cáo để tham mưu cho UBND tỉnh và dự thảo các nghị quyết gửi về UBND tỉnh trước ngày 17/11.
Đa số đại biểu dự họp đồng tình với dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm 2024. Lãnh đạo các huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa đề nghị tăng thêm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các ĐVSNCL cho địa phương.
Đối với Tờ trình của Sở Nội vụ trình UBND tỉnh về giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp trong các ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên; ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, một số ý kiến đề xuất bố trí 2-3 biên chế không hưởng lương cho Quỹ bảo vệ phát triển rừng.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đồng tình với tổng số lượng 19.449 người và giữ nguyên phương án Sở Nội vụ trình. Đồng thời, đề nghị Sở Nội vụ làm rõ các nội dung: Số biên chế giao bổ sung hàng năm. Đối với đề xuất tăng thêm số lượng người của các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát để có điều chỉnh phù hợp với thực tế. Sở Nội vụ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp nghiên cứu mô hình hoạt động, vấn đề pháp lý của Quỹ bảo vệ phát triển rừng để rà soát, sửa đổi và bổ sung biên chế, đặc biệt là vị trí giám đốc quỹ.
Tham gia ý kiến vào Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về số lượng hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong ĐVSNCL lĩnh vực giáo dục, phiên họp tập trung vào các nội dung: Khó tuyển biên chế ở một số môn như tiếng Anh, tin học. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết này. Theo đó, thống nhất các nội dung sau: Đối tượng hợp đồng là giáo viên ở những lĩnh vực, môn học còn thiếu; chi trả áp dụng theo bảng lương công chức viên chức và cần làm rõ chế độ chính sách mà giáo viên hợp đồng được hưởng. Giao Sở Nội vụ và Sở Tài chính thống nhất với các địa phương về số lượng, cơ cấu, thời gian áp dụng để phù hợp với thực tế. Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện tờ trình gửi về UBND tỉnh trước ngày 17/11.
Đại biểu dự họp nhất trí nội dung các tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quyết định biên chế công chức trong các cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện năm 2024; giao số lượng cán bộ công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên; chấp thuận danh mục dự án cần thu hồi đất và dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác năm 2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.