Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, các HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhiều HTX nỗ lực vươn lên, đổi mới về nội dung hoạt động và tổ chức; sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành nghề. Nhất là với một số HTX bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã chủ động phục hồi sản xuất kinh doanh. Triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; liên kết, tham gia chuỗi giá trị ở các HTX được tăng cường. Do vậy, kinh tế tập thể đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập trên địa bàn.
Việc thành lập mới các HTX không chỉ ở các trung tâm huyện mà còn được chú trọng tại các xã xây dựng nông thôn mới, xã vùng sâu, vùng xa. Qua đó góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng miền và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn vùng cao.
Tháng 10/2023, HTX Cà phê bền vững Tênh Phông (bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo) được thành lập với 12 thành viên. Ðây là HTX được thành lập trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao liên kết sản xuất ngành hàng cà phê cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại huyện Tuần Giáo” do tổ chức GIZ (Ðức) và Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế đồng thực hiện. Với chủ trương phát triển cây cà phê Arabica theo hướng đặc sản dựa trên thế mạnh của Tênh Phông, HTX cam kết bao tiêu sản phẩm sản xuất trên 20ha cà phê trên địa bàn xã Tênh Phông và thời gian tới sẽ mở rộng diện tích bao tiêu 100ha ở các xã khác của huyện. Ngoài ra, lồng ghép phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng. Từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống cho người dân.
Ông Mùa A Lử, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Cà phê bền vững Tênh Phông cho cho biết: Khi nhu cầu thị trường khắt khe hơn, người tiêu dùng hướng đến sản phẩm có chất lượng thì người dân, doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng. Ðể làm được điều này, không thể “mạnh ai nấy làm” như trước mà phải hợp tác, liên kết với nhau. Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cà phê ở xã vùng cao Tênh Phông sẽ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có uy tín, chất lượng trên thị trường. Từ đó, sản xuất nông nghiệp mới bền vững, đời sống người dân được nâng cao.
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh triển khai các chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các HTX thành viên cũng từng bước được nâng lên. Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) khảo sát, lựa chọn một số HTX tại huyện Mường Chà tham gia xây dựng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Tổ chức khảo sát HTX dược liệu Tây Bắc tại bản Huổi Lóng, xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo) và các thành viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia thí điểm mô hình trồng cây gai xanh tại huyện Tủa Chùa. Ðồng thời thực hiện vai trò nòng cốt và chủ lực trong vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới các HTX; tư vấn về trình tự thủ tục, hỗ trợ xây dựng hồ sơ và thành lập mới 23 HTX. Tuyên truyền, vận động 100% HTX thành lập mới gia nhập thành viên Liên minh HTX tỉnh; tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền về Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; các chính sách về phát triển KTTT, HTX; phổ biến nâng cao nhận thức về bản chất mô hình HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của tổ chức HTX trong phát triển kinh tế – xã hội.
Ðối với việc hỗ trợ vốn, Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ xây dựng hồ sơ vay vốn, thẩm định và giải ngân 3 dự án của 3 HTX vay nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với tổng vốn vay là 650 triệu đồng. Thông qua hoạt động hỗ trợ vốn đã góp phần tạo điều kiện cho HTX mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Liên minh HTX tỉnh còn tích cực triển khai khảo sát chỉ số hài lòng của HTX đối với cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời phản ánh việc thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của cấp ủy, chính quyền địa phương.