Ngày 16-2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam họp báo về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 lần đầu tiên diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long vào năm 2023 đã nhận được sự hưởng ứng và tán thưởng của công chúng yêu thơ cả nước. Năm nay, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tiếp tục được tổ chức tại địa điểm này.
Ban tổ chức thông tin về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22.
Chọn chủ đề “Bản hòa âm nhất nước”, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Ngày thơ năm nay hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), là một cuộc hội ngộ thi ca các dân tộc Việt Nam, mang đến công chúng những di sản thi ca 54 dân tộc anh em và những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc, các tác phẩm viết về thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 gồm chuỗi hoạt động phong phú diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-2 (tức ngày Rằm tháng Giêng và 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn), mở cửa từ 9h đến 22h. Năm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phụ trách nội dung (chọn thơ, tác giả thơ). Toàn bộ hoạt động tiếp tục do đạo diễn Lê Quý Dương viết kịch bản tổng thể, đạo diễn dàn dựng.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, về thiết kế tổng thể không gian, Ngày thơ Việt Nam năm nay được lấy cảm hứng từ chính chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, với tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Các sự kiện chính sẽ diễn ra trên trục thần đạo của Hoàng thành Thăng Long, chiếu từ cửa Đoan Môn đến Cột cờ Hà Nội.
Cổng thơ là những vầng trăng non uốn lượn trên hành trình tròn đầy vào đúng ngày Rằm. Bước qua Cổng thơ là Đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu, với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết một câu thơ hay do Ban tổ chức tuyển chọn. Tổng cộng sẽ có 54 câu thơ, tương ứng với 54 dân tộc anh em.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 diễn ra trên trục thần đạo của Hoàng thành Thăng Long. Ảnh minh họa
Tiếp đến là Cây thơ, trên đỉnh Cây thơ là một nửa vầng trăng, bên dưới là 54 câu đố thơ được treo trên cành cây. Điểm đến cuối cùng là sân khấu chính – một vầng trăng trọn vẹn, kết thúc hành trình của vầng trăng non từ Cổng thơ đến nơi diễn ra Đêm thơ.
Trên chính giữa trục thần đạo, năm nay Ban tổ chức tiếp tục xây dựng không gian Nhà ký ức – nơi trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu. Nhà ký ức mang hình dáng kiến trúc một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên.
Đến với không gian này, công chúng có thể tham quan các không gian, tham gia trò chơi đố thơ và giao lưu với các tác giả trong Quán thơ.
Ngày Rằm tháng Giêng (24-2) sẽ diễn ra những sự kiện chính của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, gồm tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” và Đêm thơ Nguyên Tiêu với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”.
Đêm thơ do nhà thơ Trần Hữu Việt viết kịch bản văn học, nhà báo Phan Đăng viết lời bình đồng thời dẫn chương trình cùng Á hậu Thụy Vân. Chương trình gồm 4 phần: Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc; các nhà thơ quốc tế tham gia giao lưu và đọc thơ; trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam; những dư âm còn mãi.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, các tác phẩm được trình diễn trong Đêm thơ gồm những kiệt tác thi ca trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam; thơ của 16 tác giả trong nước và quốc tế sẽ do tác giả trực tiếp đọc thơ hoặc được các nhà thơ, nghệ sĩ ngâm thơ trình bày.
Theo nhà thơ Trần Hữu Việt, Đêm thơ năm nay là sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục… song song với việc duy trì lối đọc thơ truyền thống của các nhà thơ, với mong muốn đem đến sự thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm thơ xuất sắc tới khán giả.