Cùng với các tuyến đường cao tốc, cảng biển, sân bay, hạ tầng đường sắt cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Trong đó, các tuyến đường sắt giữ vai trò kết nối với hạ tầng giao thông hiện có, hình thành hệ thống vận tải đa phương thức, tối ưu hóa trong vận chuyển hành khách, hàng hóa, giúp giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu vấn đề, Chính phủ đang tập trung nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư lớn cho giao thông đường sắt, dự kiến sẽ được thực hiện sau năm 2025. Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, hiện nay, hệ thống đường sắt có nhiều tiềm năng nhưng chưa được tập trung khai thác, đó là hai tuyến đường sắt khổ 1.435mm Yên Viên (Hà Nội)-Kép (Bắc Giang)-Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên)-Kép-Cái Lân (Quảng Ninh), giao nhau tại ga Kép (Bắc Giang). Hai tuyến đường sắt này được kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Trung Quốc và kết nối trực tiếp ra cảng nước sâu Cái Lân, có tiềm năng rất lớn về vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, còn khai thác vận tải hành khách, phục vụ du lịch. Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung dự án nâng cao năng lực vận tải của hai tuyến đường sắt này và cảng nước sâu Cái Lân vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để nhanh chóng khai thác tiềm năng vận tải.
Các tuyến đường sắt khác cũng được đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm đầu tư là tuyến đường sắt từ Lào Cai đến cảng Hải Phòng và Đồng Nai đến cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) đánh giá, đây là hai tuyến đường sắt có ý nghĩa rất lớn cho nền kinh tế, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông của đất nước, giảm được chi phí logistics cho doanh nghiệp và tạo tiền đề để xây dựng ngành công nghiệp đường sắt quốc gia trong giai đoạn tới.
Phát triển mạng lưới đường sắt từ các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế của đất nước đến những đầu mối giao thông quan trọng như cảng biển được đánh giá là mô hình hiệu quả nhằm khai thác tối đa năng lực vận tải. Thực tế, hạ tầng giao thông của nước ta còn thiếu đồng bộ. Đơn cử như cảng Cái Mép-Thị Vải, dù năng lực vận tải rất lớn, có thể đón tàu chở container hàng trăm nghìn tấn nhưng các tuyến đường kết nối đến cảng còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng khai thác. Việc vận chuyển hàng hóa, hành khách nội địa của nước ta còn phụ thuộc quá nhiều vào vận tải đường bộ, làm tăng chi phí và gây ách tắc giao thông.
Trong khi đó, vận tải đường sắt với nhiều lợi thế về chuyên chở hàng hóa khối lượng lớn, đi trên tuyến đường riêng, thuận lợi cho lưu thông, đáp ứng nhu cầu liên vận quốc tế nhưng hiện chưa được quan tâm. Bảo đảm sự phát triển hài hòa, đồng bộ giữa các phương thức vận tải là định hướng cần ưu tiên trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thời gian tới, từ đó, tạo nền tảng thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.