Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin với chính quyền tỉnh bạn những tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Điện Biên trong thời gian qua. Đặc biệt nhấn mạnh, xuất phát từ điểm tương đồng về truyền thống cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, điều kiện tự nhiên và một số tiềm năng của mỗi bên mang tính bổ trợ nhau, việc thúc đẩy kết nghĩa giữa UBND tỉnh Điện Biên với chính quyền tỉnh Bát-na là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước Việt Nam – An-giê-ri nói chung và giữa tỉnh Điện Biên với tỉnh Bát-na nói riêng, góp phần vun đắp tình hữu nghị, tạo tiền đề cho sự hợp tác giữa hai bên ngày càng mở rộng, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội hai bên.
Trên cơ sở thảo luận, thống nhất cao, lãnh đạo tỉnh Điện Biên và chính quyền tỉnh Bát-na đã ký kết Thỏa thuận kết nghĩa và hợp tác với một số nội dung cụ thể. Hai chính quyền đồng ý thiết lập mối quan hệ kết nghĩa và hợp tác phi tập trung theo các khả năng hiện có và phù hợp với các quyền hạn được giao. Cùng nhau mở đường cho hợp tác dựa trên những mối liên kết về lòng tin, sự tôn trọng lẫn nhau, thiện chí, bình đẳng và cùng có lợi để khuyến khích những sự trao đổi đa dạng về kiến thức và kinh nghiệm cũng như là tham vấn kỹ thuật và trao đổi chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp và du lịch), khoa học, kỹ thuật, đại học, y tế, văn hóa và nghệ thuật. Hai chính quyền cam kết hỗ trợ kết nối giữa các đối tác công, tư và đại học nhằm khuyến khích thực hiện các dự án cụ thể.
Hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp: Trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ và tiến hành hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới nổi; chuyển giao công nghệ và kỹ thuật trong ngành chế biến, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, dệt may và chế biến gỗ. Khuyến khích trao đổi thương mại trong ngành dệt may, đặc biệt là phụ kiện và đồ thể thao; trao đổi chuyến thăm của các đoàn kinh tế trong các lĩnh vực nói trên… Trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu khoa học và đại học, khuyến khích trao đổi các chuyên gia đại học và các dự án nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển đô thị, phát triển vùng và sức khỏe cộng đồng; khuyến khích trao đổi giữa các cơ sở giáo dục đại học và bệnh viện; thúc đẩy trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới và kiến thức đại học; hợp tác và trao đổi kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng.
Trong lĩnh vực đô thị, hỗ trợ trao đổi chuyên gia giữa hai địa phương để chuyển giao kiến thức và thực hành tốt trong lĩnh vực kỹ thuật đô thị; xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác, tập trung vào hỗ trợ và đồng hành về mặt thể chế để xây dựng chính sách phát triển địa phương cải tiến, thông qua việc cùng suy nghĩ về các chủ đề: quản lý nước và vệ sinh, quản lý đô thị, giao thông đô thị, quản lý chất thải. Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, phát triển các hoạt động trao đổi về quản lý thư viện, quảng bá sách và việc đọc sách giữa các công dân; thúc đẩy trao đổi giữa các tổ chức văn hoá trực thuộc hai chính quyền địa phương; tổ chức các buổi trình diễn văn hóa chung giữa hai chính quyền địa phương: các buổi triển lãm nghệ thuật (điêu khắc, hội họa và thủ công mỹ nghệ…); trao đổi kinh nghiệm trong việc quy hoạch và quản lý các công viên và khu rừng giải trí; khai thác và quy hoạch các khu du lịch và khảo cổ học của cả hai chính quyền địa phương; trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa của hai chính quyền địa phương; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, hội chợ thương mại để quảng bá văn hóa, du lịch tại hai chính quyền địa phương; tổ chức các giải thi đấu thể thao. Trong đào tạo chuyên nghiệp, chính quyền địa phương hai tỉnh khuyến khích hợp tác giữa các cơ sở dạy nghề.