Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), thời gian qua, Chính phủ đã tập trung vào 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 19 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; trình Quốc hội thông qua 35 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; xử lý những vấn đề đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua; bổ sung, hoàn thiện, tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới đặt ra.
Theo Thủ tướng, trước phiên họp này, Thường trực Chính phủ đã có các cuộc họp để thảo luận, lắng nghe cơ quan chủ trì báo cáo; lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chủ thể liên quan về 4 dự án Luật kể trên. Tại phiên họp này, Chính phủ tiếp tục thảo luận để hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận xây dựng các luật theo hướng: Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các vấn đề phát sinh; giảm thủ tục hành chính; tháo gỡ các vướng mắc mà thực tiễn đặt ra; xử lý những vấn đề mới xuất hiện, cần hoàn thiện, bổ sung; tăng cường trách nhiệm của mỗi cơ quan và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan…
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là những nội dung quan trọng, khó, có tác động đến nhiều đối tượng; cần triển khai gấp. Do đó, cần tập trung trí tuệ, thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.