Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các bộ, ngành cùng hơn 70 nông dân tiêu biểu đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên hội nông dân cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cùng 50 nông dân tiêu biểu của tỉnh dự hội nghị.
Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 14 câu hỏi của nông dân tại các điểm cầu đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính: Bà con nông dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như: phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị. Giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp như: hỗ trợ thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững; ban hành chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề chưa khoa học, thiếu tính khả thi… để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho người nông dân như: Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở khu công nghiệp, đô thị hay đi xuất khẩu lao động quay về nông thôn…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời đồng thời giao lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp nhanh chóng, giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân. Giải quyết những nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh; phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Hội Nông dân Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của nông dân Việt Nam trong tình hình mới. Nông dân ra sức hăng hái thi đua trong sản xuất, kinh doanh, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh địa phương. Tuyên truyền cho hội viên chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phong trào nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Khuyến khích nông dân tham gia phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh từ đó thay đổi tư duy sản xuất, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuyên truyền vận động nông dân tích cực tham gia các chương trình Mục tiêu quốc gia với phương châm “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra”. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia học nghề; chú trọng công tác giải quyết việc làm cho nông dân; nâng cao hoạt động tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.