Giải ngân vốn đầu tư công chưa có nhiều đột phá
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) nhận định, 9 tháng năm 2023, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức như trong báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra. Trong đó, 3 động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá và chưa thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án. Việc công bố giá vật liệu xây dựng cần phải kịp thời sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm. Tiếp tục có giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, thị trường bất động sản.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho biết, cử tri hoàn toàn ủng hộ Chính phủ trong cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được chỉ rõ trong báo cáo trình kỳ họp.
Qua nghiên cứu và lắng nghe ý kiến cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Chính phủ có kế hoạch và danh mục chi tiết, tập trung hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực đầu tư công, đồng thời, cần nghiên cứu phân cấp mạnh hơn và ban hành kịp thời các tiêu chuẩn, định mức liên quan đến đầu tư công, để địa phương thực hiện.
Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu lên thực tế của tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành. Trong đó, áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại biểu kiến nghị Nhà nước tiếp tục có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng. “Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, trước mắt là cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn; tiếp tục đồng hành, chia sẻ những rủi ro đối với doanh nghiệp”, đại biểu Dương Văn Phước kiến nghị.
Theo đại biểu, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, chia sẻ các giải pháp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề về thuế; nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, đại biểu lưu ý, cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện từng doanh nghiệp để có chính sách giảm thuế phù hợp.
Theo đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng), nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù ngân hàng nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Điều này cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định.
Đại biểu cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Đại biểu đề nghị, cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, doanh nghiệp cũng đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và số doanh nghiệp giải tán, phá sản cũng tăng lên.
Đại biểu cho biết, tại kỳ họp này, Chính phủ đã có Báo cáo số 20 về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả (12 dự án). Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài đối với 12 dự án.
Về tăng trưởng tín dụng và nợ xấu nội bảng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) cho biết, tăng trưởng tín dụng đến 11-10-2023 đạt 6,29% so với năm 2022, chậm hơn so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu, trường hợp tăng trưởng tập trung vào bất động sản trong giai đoạn này sẽ kéo theo gia tăng nợ xấu, khi phần cung bất động sản đang dư thừa, thị trường bất động sản đang trầm lắng, niềm tin vào thị trường bất động sản sụt giảm.
“Đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ vấn đề này, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay, có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị.