Với gia đình chị Lò Thị Vui, bản Pom Loi, phường Nam Thanh (TP.Ðiện Biên Phủ), vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính từ nhiều năm trở lại đây, không chỉ giúp có thêm nguồn thu nhập mà còn tạo ra một lượng lớn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Vụ đông năm nay, gia đình chị Vui trồng hơn 1.000m2 ngô và khoai trên đất lúa 2 vụ. Sản xuất đúng khung lịch thời vụ và thường xuyên chăm sóc nên ngô và khoai vụ đông của gia đình chị phát triển tốt, có thêm nguồn thu nhập trong thời gian tới.
Huyện Ðiện Biên là một trong những địa phương có diện tích gieo trồng cây vụ đông lớn, với diện tích hơn 950ha, chủ yếu cây ngô, khoai và các loại rau màu. Ðể vụ đông hiệu quả, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã xác định thế mạnh đất đai, khí hậu, thủy lợi của từng vùng để lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón đảm bảo đủ số lượng và chất lượng. Ðồng thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch, lịch gieo trồng cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với các xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, cơ giới hóa trong sản xuất; theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng, các loại sâu bệnh để kịp thời chăm sóc và phòng trừ hiệu quả. Ðến thời điểm này các loại cây trồng vụ đông trên địa bàn huyện sinh trưởng và phát triển tốt.
Vụ đông năm 2023, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng hơn 1.900ha cây trồng các loại, chủ yếu trên địa bàn các huyện: Ðiện Biên (hơn 950ha), Nậm Pồ (160ha), Tủa Chùa (130ha), Mường Ảng (120ha)… Về cơ cấu, chủ yếu là cây ngô lấy hạt với diện tích 397ha, lạc (hơn 81ha), khoai lang (34ha), khoai tây (7ha), rau màu các loại (hơn 1.375ha)… Dự kiến tổng sản lượng ước đạt hơn 28.000 tấn; trong đó sản lượng ngô đạt gần 1.000 tấn, khoang lang đạt hơn 1.600 tấn, rau màu các loại đạt sản lượng hơn 25.000 tấn. Nhiều loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao đã được chú trọng đưa vào sản xuất trong vụ đông và không ngừng mở rộng diện tích, như: Ớt, khoai tây, bí xanh, các loại rau gia vị.
Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất vụ đông năm 2023 được dự báo sẽ gặp những khó khăn, như: Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng tiêu cực và là thách thức lớn; thị trường, giá các sản phẩm nông sản không ổn định, nhất là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với sự tham gia của doanh nghiệp, áp dụng sản xuất an toàn còn ít; việc thực hiện hợp đồng liên kết của nông dân chưa được đảm bảo, các HTX nông nghiệp chưa phát huy hết vai trò; hoạt động kinh doanh, dịch vụ chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo được những mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm nông sản chưa đồng đều. Giá các loại vật tư đầu vào vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sâu bệnh hại vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại nặng trên cây ngô và một số loại cây trồng khác (sâu keo mùa thu) làm giảm năng suất và sản lượng.
Ðể sản xuất vụ đông đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp với thực tế địa bàn; tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông theo hướng tập trung, có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, khuyến khích người dân đa dạng cơ cấu cây trồng; sử dụng các giống ngắn ngày, ưu tiên cây trồng có giá trị kinh tế cao; mở rộng diện tích các loại cây có thể bảo quản, chế biến sau thu hoạch (bí, đậu tương, lạc, hành tỏi lấy củ…); các loại cây chế biến làm thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu). Ðồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vụ đông. Ðẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.