Nhiều vấn đề đặt ra cho phát triển văn hóa
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu rõ, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức, trong tư duy, trong hành động, trong chuyển biến của các cấp, các ngành liên quan đến văn hóa. Đó là một trong những vấn đề rất cơ bản để cho văn hóa có những bước phát triển bền vững trong triển khai sắp tới.
Một điểm thuận lợi thứ hai trong phát triển văn hóa, đó là đất nước chúng ta có 100 triệu dân với tăng trưởng kinh tế 5-6%/năm, với tỷ lệ dân số trẻ và người Việt Nam thích bàn luận, thích xem, thích cái mới và rất say sưa với chữ nghĩa, với văn hóa, đó là dư địa rất lớn để chúng ta phát triển trước hết là văn hóa, nghệ thuật.
Đại biểu nêu dẫn chứng, vừa qua nhóm nhạc Blackpink sang Việt Nam biểu diễn chỉ 2 đêm đã thu về 13 triệu USD. Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa phê duyệt năm 2016, chúng ta đề ra con số phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD, đến năm 2030 là 31 triệu USD.
“Như vậy, chỉ 2 đêm diễn của Blackpink đã được non nửa con số mà chúng ta phấn đấu của tổng thu nghệ thuật biểu diễn đến năm 2030, đó là điều rất đáng suy nghĩ. Họ thu được tiền từ người dân của chúng ta, trên sân vận động Mỹ Đình. Chúng tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, các cán bộ Sở Văn hoá nói rất tiếc vì tiêu chuẩn của Thành phố Hồ Chí Minh không đạt, nếu không họ vào đó biểu diễn thêm 2 đêm nữa thì chỉ 4 đêm diễn thôi họ bằng chúng ta phấn đấu đến năm 2030, thậm chí là vượt”, theo ông Nghĩa.
Đại biểu cũng cho biết, khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đi khảo sát ở các địa bàn thì thấy trong dư địa, nỗ lực đó thì lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Các nhà hát thì không có diễn viên, diễn viên thì không có nhà hát.
“Có nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật quản lý đến 5 khu “đất vàng”, “đất kim cương” của thành phố nhưng chỉ vận hành 1 địa điểm, 4 địa điểm còn lại hoặc là cho các đơn vị khác thuê và tốn tiền bảo vệ, tốn tiền điện nước. Trong khi đó, phần lớn các đoàn nghệ thuật không có nhà hát riêng để biểu diễn, muốn biểu diễn thì phải đi thuê, rất khó khăn về địa điểm biểu diễn”, ông Nghĩa thông tin.
Về nhân lực, đại biểu tỉnh Phú Yên cho biết, khi khảo sát một số đoàn nghệ thuật ở Trung ương cũng ghi nhận những vấn đề rất khó khăn. Có những đoàn không có biên chế, có những nghệ sĩ tuổi nghề sắp 10 năm bây giờ phải bỏ, phải thôi diễn vì không có biên chế.
Khi đi khảo sát tại các trường nghệ thuật, các ngành nghệ thuật truyền thống không có người học nữa hoặc rất ít người học.
Ông Nghĩa kể lại câu chuyện khi vào một sân khấu xã hội hóa ở một thành phố lớn, lên toà nhà 3 tầng và hỏi sàn diễn này làm bằng gì thì thành viên trong đoàn nói rằng, sàn diễn này vốn là trần nhà tầng 3 của tòa nhà xây nhiều năm rồi, nhưng vẫn tận dụng làm sân khấu và đặt hàng trăm chiếc ghế cho khán giả xem. Ông hỏi nhỡ sân khấu sập thì sao, người này nói “cũng không biết nữa, không thấy ai nói gì nên cứ biểu diễn thôi”.
“Tôi cho rằng điều này hết sức nguy hiểm, điều quan trọng muốn có những tác phẩm xứng tầm thì phải có chính sách xứng tầm, quan trọng nhất phải tạo dư địa sáng tạo cho nghệ sĩ sáng tạo”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Phát triển cốt cách văn hóa Việt Nam ở chiều sâu
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, chúng ta đã có những Lưu Quang Vũ với 40 vở kịch cùng những đêm diễn đỏ đèn. Do vậy, chúng ta hy vọng với sự phát triển của công nghiệp văn hóa, với các chính sách thiết thực sẽ có những tác phẩm văn hóa văn nghệ, tác phẩm văn chương xứng tầm, mang hơi thở thời đại, nhất là trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay có nhiều chất liệu, hơi thở đời sống rất nhiều, những số phận, những câu chuyện cũng rất nhiều.
“Chúng ta chờ đợi những tác phẩm mang hơi thở đời sống, càng thật thì càng sống lâu với thời gian, càng thật thì càng được đón nhận một cách sâu sắc”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng nêu thực tế, dù văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển, trọng tâm của phát triển văn hóa là phát triển con người, tránh tâm lý văn hóa là giải trí, và đã là con người thì phải đề cao văn hóa công vụ, đạo đức công vụ.
Tuy nhiên, đại biểu nêu thực trạng hiện nay rất nhiều người dân phàn nàn về các thủ tục công vụ, một số cán bộ hiện nay đang cố gắng làm những quy định cũ kỹ trở nên cũ kỹ hơn nhằm mục đích cá nhân.
Ông lấy thí dụ, bán một căn hộ tập thể để dưỡng già nhưng một cụ già 80 tuổi phải trình giấy đăng ký kết hôn, không có giấy tờ nào thay thế được cả, trong khi các cụ lấy nhau vài chục năm trước, giấy tờ lưu lại nhiều khi không còn. Muốn làm được thủ tục đó vẫn phải “bẽn lẽn, run rẩy” đưa nhau đến phường để đăng ký kết hôn lại.
“Chúng ta rất cẩn thận trong việc bảo đảm tài sản cá nhân, nhưng sự lạnh lùng đó của nền công vụ có gắn kết với những giá trị văn hóa của người Việt Nam nhân văn, nhân ái, kính già trọng trẻ, trọng tài năng? Sự làm khó nhau như vậy không có trong truyền thống văn hóa người Việt mà xuất phát từ những cái rất cụ thể mà chưa kịp chấn chỉnh”, đại biểu Nghĩa chỉ rõ vấn đề, đồng thời cảnh báo sự xói mòn niềm tin từ hành vi công vụ rất cụ thể như vậy và đôi khi chúng ta coi nó là chuyện thường tình.
Trước thực tế môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực, đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta, hệ thống chính trị nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam. Đó chính là xây dựng, phát triển cốt cách văn hóa Việt Nam ở chiều sâu.