Cách đây gần 4 năm, lần đầu tiên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà triển khai Dự án mô hình nuôi bò cái sinh sản giống địa phương, thuộc nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Chương trình 30a tại bản Phi Hai, xã Sá Tổng.
Ban đầu, dự án được triển khai từ tháng 7/2019 cho 28 hộ nghèo, kinh phí hơn 594 triệu đồng. Qua 18 tháng thực hiện, số bò khi kết thúc dự án là 24 con, tăng 10 con, số bò có chửa là 7 con. Tổng giá trị đàn bò tăng thêm so với ban đầu là hơn 80 triệu đồng. Thấy được hiệu quả của mô hình, đến nay, hàng chục hộ nông dân các xã vùng cao huyện Mường Chà cũng áp dụng mô hình nuôi bò theo nhóm, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ông Giàng A Và, Chủ tịch UBND xã Sá Tổng cho biết, tham gia mô hình nuôi bò theo nhóm hộ bà con có nhiều cái lợi. Được hỗ trợ tiền xây dựng chuồng trại, con giống, chăm lo thuốc thang phòng dịch… Thông qua các chương trình, dự án, các mô hình phát triển kinh tế đã giúp bà con dần xóa được đói, giảm được nghèo. Quan trọng hơn cả là, nó đã làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ của bà con trong phát triển kinh tế.
Theo ông Giàng A Và, trước đây, không ít hộ có tư tưởng trông chờ vào Nhà nước, không chịu tư duy để vươn lên. Nhà nước cho cái gì thì chỉ biết cái đó. Bởi vậy không phát huy được giá trị của chính sách hỗ trợ. Nay thì khác, tuyên truyền, vận động nhiều bà con cũng đã hiểu và nỗ lực hơn trong cuộc sống. Bởi vậy, xã mong muốn thời gian tới, các cấp, các ngành cũng như chính quyền huyện tiếp tục nhân rộng những mô hình giảm nghèo hay, cách làm tốt nhằm khích lệ người dân sớm vươn lên.
Xuất thân là nông dân, người dân muốn được phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để ổn định cuộc sống. Nắm bắt tư tưởng đó, những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, nhất là hỗ trợ người dân tham gia các chuỗi liên kết nhằm tăng năng suất cây trồng; đồng thời có đầu ra ổn định. Tại huyện Tủa Chùa, thời gian qua, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ ở xã Trung Thu đã cho hiệu quả cao. Với quy mô ban đầu 4ha, được triển khai từ năm 2020 có 50 hộ tham gia; qua 3 năm triển khai, nay đã có trên 300 hộ dân được liên kết, mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 40ha. Năng suất khoai đạt trung bình 12,5 tấn/ha, giá thu mua tối thiểu 8.000 đồng/kg. Trừ chi phí, trung bình đạt 50 triệu đồng/ha, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân tham gia.
Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, thông qua các mô hình, dự án liên kết, nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang các giống cây trồng cho năng suất cao hơn và dần hình thành liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với một số hộ dân. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết được thực hiện đã góp phần giúp người dân dần thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện đời sống và từng bước hiện thực hóa đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại địa phương.
Với mong muốn nâng cao nhận thức và khơi gợi ý chí tự vươn lên của người dân, hàng năm, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo đã và đang chuyển dần sang phương thức hỗ trợ xây dựng, triển khai các mô hình sinh kế. Thống kê, của cơ quan chức năng, từ nguồn vốn các chương trình khuyến nông, giai đoạn 2016 – 2021, với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng, toàn tỉnh đã phát triển được 217 mô hình khuyến nông; trong đó 182 mô hình về trồng trọt và 35 mô hình chăn nuôi, thủy sản. Giai đoạn 2021 – 2025, từ nguồn dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững) tiếp tục đầu tư gần 170 tỷ đồng thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, hiện nay, cấp uỷ, chính quyền các cấp đang đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung nhân rộng những mô hình giảm nghèo hay, cách làm tốt nhằm khích lệ người dân, nhất là người nghèo, cộng đồng dân cư nâng cao vai trò, vị thế của mình trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, để không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước.