Bài 1: Từ “cửa ngõ Tây Bắc”
Nhiều bản dân tộc của người Thái, Dao, Mông… đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, không chỉ tạo nên thương hiệu cho du lịch Tây Bắc mà còn trở thành mạch ngầm của sức mạnh nội sinh để các địa phương phát triển kinh tế – xã hội.
Người dân tộc 4.0
Chiều muộn, chị Hà Thị Thơ (chủ homestay Minh Thơ) ở bản Mai Hịch (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cùng người nhà và một số hộ gia đình làm homestay trong bản tất bật chuẩn bị cơm tối đón khách. Hôm ấy, nhà chị đón nhiều đoàn khách gần 50 người, trong đó có một đoàn du khách từ Italia. Thực đơn của bữa ăn cho khách vẫn là những món ăn truyền thống của dân tộc Thái là: Gà đồi, cá suối, pa pỉng tộp (cá nướng) cùng một số món rau của địa phương. Sau dịch Covid-19, Mai Hịch là số ít những bản du lịch cộng đồng vẫn thường xuyên đón được khách về nghỉ dưỡng.
Chị Hà Thị Thơ tâm sự, các hộ gia đình người Thái làm homestay đều có trang fanpage riêng để quảng bá cho cơ sở của mình. Khách đặt dịch vụ qua internet rất nhiều. “Chúng tôi phải học công nghệ để quảng bá, nhận đặt dịch vụ và trả lời khách. Người dân bản đã sử dụng thành thạo Zalo, Facebook. Khách đến có thể quét mã QR để thành toán các dịch vụ”, chị Thơ chia sẻ.
Giống như chị Hà Thị Thơ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ba – Vì Thị Yểu vừa tiếp chúng tôi vừa thoăn thoắt trả lời các tin nhắn điện thoại. Trong lúc tiếp khách, anh vẫn đang “chốt đơn” online đoàn khách 20 người đặt phòng.
“Trước kia, Mai Hịch chủ yếu đón khách nước ngoài, số đông là khách đi theo gia đình. Sau dịch Covid-19, nhiều khách nội địa vì muốn một không gian an toàn, gần gũi thiên nhiên nên tìm đến Mai Hịch. Giờ chúng tôi đón cả khách Việt Nam và nước ngoài”, anh Ba cho biết.
Bản Mai Hịch của đồng bào Thái huyện Mai Châu có 7 xóm, 923 hộ dân, hiện có 11 hộ kinh doanh dịch vụ homestay với sức chứa mỗi hộ từ 25-30 khách. Các hộ gia đình này đều nằm gần nhau, tạo thành một quần thể dịch vụ tương hỗ, tương đồng, có không gian mở để du khách dễ dàng trải nghiệm.
Sự khác biệt của du lịch cộng đồng ở Mai Hịch là giữ gìn cảnh quan môi trường, du lịch xanh hiệu quả. Các hộ dân vẫn giữ nếp nhà sàn, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường như tre, nứa, gỗ để dựng các công trình phụ trợ. Người dân trong bản cùng góp sức để tạo thành một bản du lịch cộng đồng hấp dẫn. Nhà nào đông khách thì lại giới thiệu đến các nhà xung quanh.
Trong bộ trang phục Thái trắng duyên dáng, đôi má ửng đỏ sau khi được trang điểm, chị Vì Thị Yểu chia sẻ, hôm nay chị sẽ tham gia đội văn nghệ để phục vụ du khách sau bữa tối.
“Đội văn nghệ bản hoàn toàn là người dân tham gia, biểu diễn xòe Thái, hát dân ca, thậm chí có cả những bài quốc tế để “chiêu đãi” khách nước ngoài. Chúng tôi học trên mạng nhiều điệu dân vũ quốc tế, khách nước ngoài rất thích.
Chị Vì Thị Yểu
|
Dẫn chúng tôi đi tham quan các hộ gia đình làm homestay, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình) Vì Văn Việt chia sẻ, Mai Hịch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng bền vững, lấy bản sắc dân tộc làm cốt lõi để chuyển đổi từ làm nông sang làm dịch vụ. Các hộ gia đình đều có ý thức chia sẻ, hỗ trợ nhau làm du lịch, nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Thái như ẩm thực, múa xòe… đều được dân bản phát huy, trở thành sản phẩm du lịch đón khách trải nghiệm. Người dân bản được trang bị các kỹ năng, kiến thức làm du lịch, giờ đây có thể vận dụng thành thạo công nghệ, mạng xã hội để làm thương hiệu cho du lịch Mai Hịch.
Thông tin thêm về hoạt động chuyển đổi số trong phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Hoàng Đức Minh cho biết, huyện đã thực hiện số hóa 8 điểm du lịch, xây dựng bản đồ du lịch số, đưa ứng dụng MC thực tế ảo để du khách dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin cũng như khám phá các nét văn hóa, điểm đến hấp dẫn trên địa bàn.
bai-2-suc-Câu chuyện của các hộ dân ở Mai Hịch cũng như nhiều câu chuyện của những bản du lịch cộng đồng đã rất thành công ở các tỉnh Tây Bắc như: Bản Lác của người Thái (Hòa Bình); bản Sin Suối Hồ của người Mông, Sì Thâu Chải của người Dao ở Lai Châu; hay homestay A Chu (Mộc Châu, Sơn La)… Điều đáng nói, rất nhiều bản trước kia từng là “điểm nóng” về ma túy giờ đã chuyển đổi thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách. Sự bắt kịp công nghệ, nhanh nhạy đổi mới trong nâng cấp dịch vụ đang giúp nhiều bản làng của đồng bào dân tộc ở Tây Bắc thay da đổi thịt. Nhiều người dân tộc còn tự học tiếng Anh, xây dựng các chỉ dẫn du lịch song ngữ cho du khách.
“Giờ ai cũng hiểu rằng, giữ được bản sắc văn hóa thì sẽ tạo được sức hút với du khách.
|
Trong một lần gặp gỡ với chúng tôi, anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ (Lai Châu) tâm sự, anh đã lập các fanpage giới thiệu bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Sau khi chuyển hướng làm du lịch, cùng với việc nâng cấp dịch vụ, các hộ gia đình tự học tiếng Anh, trau dồi kỹ năng giao tiếp, phục vụ để đón khách. Nhiều người Mông đã tự tin giao tiếp với khách nước ngoài.
“Chúng tôi không chỉ mặc trang phục dân tộc khi đón khách mà mặc thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày. Giờ ai cũng hiểu rằng, giữ được bản sắc văn hóa thì sẽ tạo được sức hút với du khách”, anh Vàng A Chỉnh bày tỏ.
Người dân tộc ở vùng cao Tây Bắc đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếp thu kiến thức hiện đại của công nghệ số để tạo thành sức mạnh nội sinh nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều bản có thể làm giàu, nâng cao đời sống, thu nhập của bà con bền vững và hiệu quả.
Nhớ về thời gian đầu quyết định chuyển từ làm nông sang làm du lịch, chị Hà Thị Thơ, chủ homestay Minh Thơ (xã Mai Hịch, Hòa Bình), chia sẻ với nụ cười mãn nguyện: “Trước kia, cuộc sống của chúng tôi nghèo khổ lắm. Được hướng dẫn, đào tạo làm du lịch, chúng tôi nhận ra, khi nỗ lực giữ bản sắc văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên thì du khách đến đây nhiều hơn”.
Hỏi về lợi nhuận sau khi chuyển sang làm du lịch, chị Thơ không giấu giếm kể, năm 2017, gia đình chị đã đón hơn 7.000 lượt khách, trong đó đa số là du khách quốc tế đến từ Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan… Lợi nhuận sau khi trừ chi phí từ phát triển du lịch cộng đồng đạt 250 triệu đồng/năm. Homestay Minh Thơ trở thành hình mẫu ở Mai Hịch cho nhiều hộ dân sau này làm du lịch cộng đồng.
Thành quả của những nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa trong đời sống hiện đại đã mang đến nhiều kết quả cho việc phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Bắc. Nhiều giải thưởng du lịch quốc tế đã vinh danh các điểm đến bản làng như một sự ghi nhận về thành công của du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc. Điển hình là làng văn hoá cộng đồng Mai Hịch ở xóm Hịch 2 (Mai Châu, Hòa Bình) là điểm du lịch cộng đồng được ASEAN bình chọn giai đoạn 2017-2019. Bản Sin Suối Hồ (Lai Châu) đạt danh hiệu là Điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu Việt Nam năm 2019; giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3 trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á – ATF 2023 vừa qua. Mới đây, tạp chí Business Insider (Mỹ) đã bình chọn Mai Châu (Hòa Bình) là một trong 10 địa danh hấp dẫn trên thế giới dành cho tour du lịch văn hóa địa phương.
Trước sự “thay da đổi thịt” ở các bản du lịch cộng đồng mang đến nhiều lợi ích lớn, không chỉ giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo, mà còn đang từng bước tạo được thương hiệu riêng góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết, tỉnh đã xây dựng Nghị quyết về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để phát huy sức mạnh dân tộc trên địa bàn. “Tỉnh sẽ triển khai kế hoạch xây dựng, bảo tồn “nền văn hóa Hòa Bình”; tập trung quy hoạch, trong đó gắn văn hóa với phát triển du lịch”, ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.