Dự án khó khăn
Được khởi công xây dựng từ tháng 11/2022, Dự án Thủy điện Nậm Núa 2, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) có tổng mức đầu tư 281 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Điện Biên làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất thiết kế 7,5MW; điện lượng trung bình/năm EO đạt 25 triệukWh.
Dự kiến hoàn thành cuối năm 2024, phát điện cuối năm 2025, đến nay dự án đã hoàn thành toàn bộ thi công bê tông: Cửa nhận nước, đập dâng vai trái vai phải, đập tràn, gia cố mái, nhà máy, trạm biến áp… Hoàn thành công tác chế tạo toàn bộ thiết bị cơ điện nhà máy, đã cung cấp 5/7 lô thiết bị đến công trường, lắp đặt bệ đỡ máy phát, tua bin tổ máy 1 + 2. Các hạng mục lắp đặt thiết bị nâng hạ bao gồm: Xi lanh cửa nhận nước 60T, pa lăng hạ lưu nhà máy 10T, cần trục chân đê 2×12,5T, tời nâng đập tràn 1x60T cũng đã hoàn thành…
Tuy nhiên, hạng mục công trình đường dây 110kV đấu nối Dự án Thủy điện Nậm Núa 2 vào lưới điện quốc gia đã được HĐND tỉnh chấp thuận danh mục sử dụng đất cần thu hồi năm 2024 và được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Điện Biên nhưng chưa được xác định trọng Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 huyện Điện Biên theo quy định.
Ông Nguyễn Đặng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Điện Biên cho biết: Hiện nay, công ty đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ thu hồi và cho thuê đất hạng mục công trình này với diện tích 1.500m2. Công ty đã đề nghị tỉnh cập nhật hạng mục công trình đường dây 110kV đấu nối Nhà máy Thủy điện Nậm Núa 2 vào lưới điện quốc gia vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2021-2030. Trong trường hợp chưa kịp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đề nghị cho phép nhà đầu tư được thuê đất hạng mục công trình, đáp ứng tiến độ dự án đưa công trình vào khai thác vận hành sớm.
Đối với Dự án Điện mặt trời mái nhà tại bản Púng Minh, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) do Công ty Cổ phần Môi trường Điện Biên làm chủ đầu tư có sản lượng điện trên 3.350.000kWh (từ tháng 1/2021 – 10/2024); qua quá trình vận hành sản lượng điện đã giảm dần qua các năm. Trong khi đó tuyến đường kết nối quốc lộ 279 và Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên mặt đường xuất hiện nhiều vị trí bong tróc, ổ gà không đáp ứng tải trọng xe cho phép dẫn đến đi lại rất khó khăn.
Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Điện Biên cho biết: Vào mùa mưa đường lầy trơn trượt, mùa khô bụi mù mịt làm giảm tầm nhìn, đặc biệt là ban đêm dẫn đến không đảm bảo an toàn giao thông cho đơn vị vận hành. Do vậy, Công ty đề nghị các cấp, ngành sớm nâng cấp, cải tạo dứt điểm tuyến đường.
Cần sớm tháo gỡ
Trong giai đoạn 2022-2024, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện đầu tư 11 dự án thuỷ điện (gồm cả các dự án thực hiện trong giai đoạn trước chưa hoàn thành) với tổng công suất là 156MW. Trong đó, đã hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác 6 nhà máy thủy điện (Mùn Chung 2, Sông Mã 3, Mường Luân 1, Huổi Chan 1, Đề Bâu và Mường Luân 2), công suất tăng thêm của 6 nhà máy là 79,5MW.
Dự kiến hết năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác thêm 4 nhà máy thủy điện (Phi Lĩnh, Nậm Núa 2, Mường Mươn và Mường Tùng), công suất tăng thêm của 4 nhà máy là 60,5MW. Đối với Dự án Thuỷ điện Chiềng Sơ 2, công suất 16MW khởi công từ tháng 5/2024, dự kiến hoàn thành quý II/2027.
Những năm qua, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, lượng nước về các hồ chứa ít, các nhà máy không đủ nước để phát điện theo công suất thiết kế. Do đó sản lượng điện sản xuất của một số nhà máy đạt thấp so với kế hoạch hàng năm. Công tác khảo sát, lập dự án đầu tư và thực hiện các nội dung công việc về đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện của các Nhà đầu tư còn chậm, kéo dài. Lý do là việc lựa chọn địa điểm, quy mô nhà máy cần khảo sát đánh giá kỹ, cần có nhiều phương án để lựa chọn; phải điều chỉnh các thông số của dự án thủy điện trong quy hoạch theo quy định.
Bên cạnh đó, danh mục các dự án nguồn điện còn thiếu theo phân bổ cho tỉnh Điện Biên chưa được phê duyệt bổ sung trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (21 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 193,63MW; dự án điện sinh khối 30MW; dự án điện rác 3MW), do đó chưa có cơ sở để triển khai thực hiện các dự án.
Cùng với đó công tác quy hoạch và đầu tư phát triển nguồn điện của tỉnh chưa đồng bộ với phát triển hệ thống lưới điện truyền tải. Một số dự án thủy điện có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt đấu nối vào lưới điện khu vực nhưng hiện trạng hạ tầng lưới điện khu vực chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để giải tỏa công suất cho các dự án. Điển hình như: Công tác đấu nối gặp nhiều khó khăn; hệ thống lưới điện quốc gia 110KV, 220KV chưa được EVN đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Các dự án năng lượng tái tạo thuộc khu vực huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà chưa xác định được phương án đấu nối, điểm đấu với lưới điện quốc gia do tuyến đường dây 220kV (hoặc 110kV) Nậm Pồ – Trạm 500/220/110kV Lai Châu và TBA 220kV (hoặc 110kV) Nậm Pồ chưa được đầu tư xây dựng…
Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các dự án điện trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã đề nghị Bộ Công Thương quan tâm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Quan tâm đầu tư xây dựng các trạm biến áp và tuyến đường dây 110kV, 220kV theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời đề nghị bổ sung 1 trạm biến áp 220 kV trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai thực hiện như: Tuyến đường dây 220kV Điện Biên – Sơn La; dự án TBA 220kV Điện Biên; dự án Xuất tuyến 110kV sau TBA 220kV Điện Biên; Dự án Đường dây 110kV Mường Chà – thủy điện Long Tạo…
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/219680/som-thao-go-kho-khan-cac-du-an-dien