Trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, trình độ khoa học kỹ thuật lạc hậu, vũ khí trang bị dành cho Quân đội còn rất thiếu thốn, nên sự viện trợ của các nước anh em, bè bạn quốc tế là rất quan trọng. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải quý trọng và biết ơn sự giúp đỡ của các nước anh em; nhưng đồng thời phê phán tư tưởng ỷ lại vào sự viện trợ quốc tế, không nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh. Trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu rõ: Đánh giá cao sự viện trợ quốc tế là rất đúng, nhưng không thể lấy viện trợ quốc tế thay thế cho tự lực cánh sinh. Ỷ lại vào viện trợ quốc tế là một tư tưởng sai lầm, là biểu hiện của sự coi thường lực lượng nội sinh đất nước.
Sơ tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TUẤN HUY |
Có thể nói, kết hợp chặt chẽ phương châm tự lực cánh sinh với viện trợ quốc tế để tạo thành sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn cho Quân đội ta chiến thắng kẻ thù. Trong mối quan hệ kết hợp đó, tinh thần tự lực cánh sinh vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo. Đó là bài học, là nguyên tắc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đã thấm vào từng nếp nghĩ suy và hành động của cán bộ, chiến sĩ. Thấm nhuần sự giáo dục ấy, ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta luôn biết chắt chiu, cần kiệm, thực hiện “mỗi viên đạn một quân thù”, “cướp súng giặc, giết giặc”, coi vũ khí trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật là tài sản của Nhà nước, là mồ hôi, xương máu của nhân dân giao cho Quân đội quản lý, sử dụng để đề cao trách nhiệm, giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí; tích cực lao động, tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế nâng cao đời sống; lao động sáng tạo, có kỹ thuật, có kỷ luật, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tạo tiền đề xây dựng Quân đội ngày càng chính quy, hùng mạnh. Trong những năm đầu thành lập và kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Quân đội nhân dân Việt Nam phải “chiến đấu trong vòng vây” của quân thù. Nhưng với tinh thần tự lực cánh sinh, cán bộ, chiến sĩ ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từng bước đánh bại âm mưu và hành động chiến tranh của thực dân Pháp. Sau khi Chiến dịch Biên giới 1950 thắng lợi, nước ta có điều kiện mở thông biên giới, tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp của bè bạn thế giới. Sự viện trợ ủng hộ đó có những thời điểm nhiều, ít khác nhau, thậm chí bị cắt giảm. Nhưng nhờ có tinh thần chủ động tự lực, tự cường, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Bên cạnh việc tiếp nhận, làm chủ trang bị vũ khí các nước bạn viện trợ, Quân đội ta vẫn chủ động chế tạo ra nhiều loại vũ khí, trang bị (trong đó có nhiều loại vũ khí khá tiên tiến, hiện đại) phục vụ chiến đấu. Trong kháng chiến chống Pháp đó là: Ngòi nổ hẹn giờ, súng phóng lựu và lựu phóng, súng đạn cối, súng phóng bom và bom phóng… Đặc biệt, năm 1947, với việc “xuất hiện” của Bazoka – loại vũ khí mới, hỏa lực mạnh do quân giới của ta chế tạo, có khả năng tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến và lô cốt địch, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, Quân đội ta chế tạo, cải tiến, sửa chữa thành công nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại đáp ứng yêu cầu của chiến trường, tiêu biểu như: Thiết bị phóng từ HĐL-9, có khả năng kích nổ bom, mìn, thủy lôi từ trường ở cự ly khoảng trên dưới 100m, góp phần giúp quân và dân ta đánh bại chiến dịch phong tỏa đường biển, sông, bộ của địch; thiết bị phóng tên lửa A.12, có khả năng đánh sâu vào các căn cứ của địch trên chiến trường miền Nam, mở đầu thời kỳ dùng hỏa tiễn bắn bằng phương pháp ứng dụng; hệ thống kính ngắm quang học để điều khiển ăng ten tên lửa SAM-2, đã nâng cao hiệu suất chiến đấu, góp phần bắn hạ “Pháo đài bay” B-52 của địch, làm nên chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” lịch sử năm 1972…
Ngày nay, truyền thống đó càng được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhất quán nguyên tắc độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Quán triệt và triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, những năm qua, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ, với nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt được kết quả toàn diện trên cả bình diện song phương và đa phương, góp phần củng cố, phát triển quan hệ của Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế; tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để xây dựng Quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh; thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng; nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế. Trong quan hệ đối ngoại quốc phòng, Quân đội ta nhất quán, kiên quyết thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việc kiên định thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong giữ gìn môi trường hòa bình của đất nước, cũng như hòa bình, ổn định chung của khu vực và trên thế giới, được các nước tin tưởng, đánh giá cao. Qua đó, thể hiện sự thống nhất, biện chứng trong đối ngoại quốc phòng về tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường về đường lối, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Trung tá, TS TRẦN HỮU HUY, Viện Lịch sử quân sự
Nguồn: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/su-menh-thoi-binh/quan-doi-ta-neu-cao-tinh-than-doc-lap-tu-chu-tu-luc-tu-cuong-can-kiem-xay-dung-quan-doi-xay-dung-dat-nuoc-ton-trong-va-bao-ve-cua-cong-808036