Nhất thể hóa không gian di sản văn hóa lịch sử, cách mạng
Hội nghị bàn giao đất quốc phòng, tài sản gắn liền trên đất giữa Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tại 28A Điện Biên Phủ (phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội) vừa được tổ chức ngày 25-12.
Đại tá Trịnh Như Huệ, Phó chánh Văn phòng TCCT QĐND Việt Nam (thừa ủy quyền của TCCT) cho biết, việc bàn giao đất quốc phòng, tài sản gắn liền trên đất giữa Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã được Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thành uỷ Hà Nội thống nhất triển khai thực hiện tại Thông báo 893 ngày 30-8-2019 và Kết luận Hội nghị sơ kết hoạt động phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng gắn với phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, thời điểm đó, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chưa được đầu tư xây dựng trụ sở mới. Đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng xong giai đoạn 1, di chuyển đến trụ sở mới để làm việc.
Hình ảnh quảng bá di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của TCCT QĐND Việt Nam, Văn phòng TCCT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành công tác bàn giao. Hai đơn vị đã tiến hành bàn giao ranh giới, diện tích đất quốc phòng và tài sản gắn liền trên đất. Cụ thể, trong danh mục tài sản bàn giao, tiếp nhận có cơ sở nhà đất, đất tại số 28A Điện Biên Phủ (đất có diện tích 13.800m2, kỳ đài, các khu nhà, hệ thống cây xanh…). Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tiếp nhận và quản lý sử dụng; hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về quản lý đất theo quy định của Nhà nước và các thủ tục khác từ ngày 1-1-2025.
Tại hội nghị bàn giao, Đại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ: “Bảo tàng đã có 58 năm tọa lạc tại vị trí 28A Điện Biên Phủ để phát huy di sản văn hóa, lịch sử quân sự. Chúng tôi tin tưởng với bề dày truyền thống và tâm huyết, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội sẽ phát huy tốt các hạng mục di tích”.
Phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, sau khi nhận bàn giao, Trung tâm sẽ nhanh chóng mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1-1-2025, trong đó có khu vực Cột cờ Hà Nội-di tích quan trọng của Thủ đô và đất nước. Về lâu dài, Trung tâm thực hiện tour tham quan theo đúng diện tích của Hoàng thành Thăng Long từ Cột cờ Hà Nội đến Đoan Môn, khu vực thềm rồng điện Kính Thiên và các công trình kiến trúc, giá trị lịch sử của Hoàng thành Thăng Long.
Hiện Hoàng thành Thăng Long là một trong những địa chỉ văn hóa du lịch tiêu biểu, hấp dẫn của Thủ đô, góp phần không nhỏ vào việc phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong Kỳ họp thứ 46 diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, UNESCO đã chính thức thông qua đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ðây là minh chứng khẳng định hướng đi đúng đắn của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung trong bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản quý báu này. Sự đồng thuận của UNESCO mở ra một giai đoạn mới trong phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, với điểm nhấn là hạ giải một số hạng mục công trình để tiến tới phục dựng không gian điện Kính Thiên.
Theo PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, thực tế nghiên cứu khảo cổ những năm qua, đặc biệt là các cuộc khai quật khảo cổ vào những năm 2022, 2023, 2024 cho thấy, tòa nhà Cục Tác chiến đang nằm trên chính trục Thần đạo, sân Ðan Trì. Ngoài công trình này còn một công trình khác là tòa nhà Bộ chỉ huy Pháo binh cũng do người Pháp xây dựng tại chính vị trí điện Long Thiên (trước đó, nhà Nguyễn xây dựng điện Long Thiên tại vị trí điện Kính Thiên làm hành cung). “Mặc dù hai kiến trúc Pháp sau này từng có thời gian được Bộ Quốc phòng sử dụng, ghi dấu ấn trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng để có thể hiểu biết sâu hơn, tôn vinh những giá trị phổ quát nổi bật của di sản, nhất là việc tái thiết điện Kính Thiên, chúng ta phải có giải pháp ứng xử phù hợp, trong đó UNESCO chấp thuận việc tháo dỡ có kiểm soát”, PGS, TS Tống Trung Tín cho hay.
Việc bàn giao ranh giới, diện tích đất quốc phòng và tài sản gắn liền trên diện tích đất còn lại của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, theo lời PGS, TS Tống Trung Tín, tạo tính nhất thể hóa, vừa phù hợp trong việc tuyên truyền, quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long, vừa tạo điều kiện để các nhà khoa học, khảo cổ, nghiên cứu văn hóa lịch sử tiếp tục những bước bảo tồn, phục dựng đúng cách và phát huy hiệu quả di tích.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/phat-huy-gia-tri-di-san-hoang-thanh-thang-long-809162