Bài 1: Nói dân tin, làm dân theo
Trở lại xã Thanh Chăn những ngày đầu tháng 10 – xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Điện Biên (năm 2015), chúng tôi vui mừng, phấn khởi khi chứng kiến cánh đồng lúa trĩu hạt, những luống rau xanh mướt; đường vào thôn bản rực rỡ sắc hoa cùng những ngôi nhà khang trang, kiên cố. Một hình ảnh nông thôn hoàn toàn mới. Nông thôn mới Thanh Chăn có dấu ấn, vai trò dẫn dắt của những bí thư chi bộ mẫu mực ở khu dân cư trong việc thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân bứt phá vươn lên.
Hơn 85% số hộ khá giả, hàng năm 100% gia đình văn hóa, người dân một lòng sắt son theo Đảng. Đó là thôn Việt Thanh 4 – điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước ở Thanh Chăn. Kết quả này một phần cũng thể hiện vai trò của ông Đinh Văn Hoàn, người luôn tận tụy với công việc, bí thư chi bộ giỏi ở khu dân cư.
Khó khăn lắm chúng tôi mới hẹn được ông Đinh Văn Hoàn, người đã nhiều năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn Việt Thanh 4 bởi công việc thường ngày của ông khá bận rộn. Hôm nào không đi tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đến nhân dân thì ông lại lao vào việc đồng áng hoặc trồng rau, nuôi cá để tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Hoàn cho biết, dù đã đạt chuẩn nông thôn mới khá lâu, song đời sống của người dân mới ở mức cơ bản ổn định. Chỉ vài năm gần đây, khi nếp nghĩ, tư duy trong phát triển kinh tế thay đổi, cuộc sống của người dân từng bước khấm khá, thậm chí nhiều hộ có của ăn, của để.
Minh chứng cho lời nói của mình, ông Đinh Văn Hoàn dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng rau, nuôi cá của gia đình và một số hộ lân cận. Theo chia sẻ của ông Hoàn, trước đây những diện tích đó đều là đất canh tác kém hiệu quả, song nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng từ bán rau cần và cá giống.
Vỗ mặt nước ao ra tín hiệu cho đàn cá lên ăn, ông Hoàn nói như khoe: “Đấy các anh xem, mô hình này tôi mới triển khai gần 3 năm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2021, tôi cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, giới thiệu để bà con nghiên cứu, học tập. Đến nay tính ra, cả thôn Việt Thanh 4 có gần 7ha ao thả cá giống với khoảng hơn 15 hộ tham gia”.
Không dừng lại ở việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, với vai trò là “hạt nhân” chính trị ở cơ sở, ông Đinh Văn Hoàn còn vận động nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau cần. Bởi rau cần là giống cây ngắn ngày nhưng cho thu nhập cao. Vì thế có tới 53 hộ trong tổng số 65 hộ ở Việt Thanh 4 trồng rau cần theo mô hình của gia đình ông Hoàn.
Nói về những đóng góp của Bí thư Chi bộ Đinh Văn Hoàn, bà Lương Thị Thanh, Trưởng thôn Việt Thanh 4 phấn khởi, với mỗi người dân nơi đây, tiếng nói của ông Hoàn có một sức hút đặc biệt. Bao năm qua, ông luôn nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Mọi hành động của ông đều xuất phát từ trái tim giàu nhân ái.
Xã Thanh Chăn hiện có 21 chi bộ trực thuộc (16 chi bộ khu dân cư) với 321 đảng viên. Triển khai thực hiện phong trào “Bí thư chi bộ khu dân cư giỏi” theo tinh thần của Huyện ủy Điện Biên, tháng 8/2021, Đảng ủy xã họp, chọn 6 thôn, bản triển khai thí điểm mô hình; đồng thời chỉ đạo tất cả các chi bộ khu dân cư còn lại để thực hiện đồng loạt.
Sau hơn 2 năm tổ chức triển khai, dưới sự lãnh đạo, điều hành của các bí thư chi bộ, vai trò người đảng viên trong chi bộ ở cơ sở ngày càng được khẳng định. Nhiều mô hình mới, cách làm hay trên các lĩnh vực đời sống xã hội được áp dụng vào cuộc sống. Riêng với 6 khu dân cư được chọn thí điểm phong trào thi đua “Bí thư chi bộ khu dân cư giỏi”, gồm: Việt Thanh 4, Việt Thanh 5, Thanh Sơn, Thanh Hà, Hồng Lếch Cang, Pom Mỏ Thái, vai trò lãnh đạo của các bí thư chi bộ càng rõ nét hơn. Các giải pháp trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp (gieo vãi cùng ngày, cùng một loại giống, trên cùng một xứ đồng); chuyển đổi diện tích trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế (bưởi da xanh); xây dựng thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu… được triển khai đồng bộ, cụ thể.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trước đây nhiều hộ ở một số bản người dân tộc Thái vẫn còn tập quán gieo các giống lúa địa phương, năng suất thấp, khả năng chống chịu bệnh kém… Sau khi được chi bộ, bí thư chi bộ tuyên truyền, giải thích, phân tích những ưu thế của các loại giống lúa mới, người dân đã dần thay đổi tư duy. Năng suất lúa từ đó cũng tăng lên đáng kể, bình quân đạt 65 tạ/ha; tăng từ 7 – 10 tạ/ha so với năm 2020.
Anh Lò Văn Pắn, Bí thư Chi bộ bản Hồng Lếch Cang chia sẻ: Bản thân tôi tâm niệm, mục tiêu cuối cùng của các phong trào thi đua yêu nước là làm cho xã hội văn minh, ổn định, phát triển. Phong trào thi đua “Bí thư chi bộ khu dân cư giỏi” cũng vậy. Do đó, tôi luôn mong muốn dù ở cương vị nào cũng sẽ cố gắng, nỗ lực thi đua, góp sức mình cho sự phát triển chung của bản làng, nhất là trong phát triển kinh tế – xã hội để người dân được thụ hưởng cuộc sống tốt hơn.
Luôn trăn trở mọi việc của dân bản, làm mọi việc hăng say cũng bởi biết điều đó có lợi cho dân; thấy một số hộ còn chậm trong tìm hướng phát triển kinh tế, mỗi bí thư chi bộ đảng ở xã Thanh Chăn đều đau đáu tìm phương án, chung sức hỗ trợ. Bởi thế đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 5,3%.
Ông Cà Văn Chính, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Chăn phấn khởi: “Bằng những cách làm linh hoạt, mỗi chuyên đề mà các bí thư chi bộ khu dân cư đăng ký triển khai cụ thể hóa phong trào thi đua “Bí thư chi bộ giỏi” đã và đang cho thấy hiệu quả tích cực, tạo chuyển biến cả về tư duy đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Riêng đối với chuyên đề “xây dựng thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu” mà thôn Việt Thanh 4 và Việt Thanh 5 đã chọn, qua chấm điểm các tiêu chí, đến nay 2 chi bộ đã đạt được mục tiêu đề ra. Điều này càng thêm khẳng định vai trò dẫn dắt cộng đồng của từng đồng chí bí thư chi bộ”.
Bài 2: Góp sức xây dựng bản làng ổn định, phát triển