Qua đánh giá, nhận xét của các đại biểu Quốc hội và cán bộ, nhân dân ở nhiều địa phương, Quốc hội đã thực hiện rõ nét phương thức giám sát quan trọng, công tâm, khách quan về kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay; bên cạnh đó, đây là dịp đánh giá uy tín và quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Cử tri và nhân dân đồng tình và đánh giá cao việc Quốc hội công bố rộng rãi, kịp thời, công khai đầy đủ, chính xác ngay trong ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả cụ thể từng cá nhân, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ, theo quy định mới trong Nghị quyết của Quốc hội.
Các chuyên gia pháp luật và một số đại biểu Quốc hội nhận xét: So với kết quả lấy phiếu tín nhiệm của các khóa Quốc hội từ khi có chủ trương này (năm 2013), kết quả lấy phiếu lần này tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao có phần thấp hơn, thể hiện thực tế khách quan: Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đời sống, quá trình đổi mới, phát triển đất nước hiện nay đòi hỏi mức độ cao hơn trách nhiệm nêu gương cá nhân của người đứng đầu.
Yếu tố nữa là sự đòi hỏi cao hơn của các đại biểu Quốc hội đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm so với các khóa Quốc hội trước, trong việc triển khai, thực hiện các công việc thường xuyên trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ở lĩnh vực cụ thể theo nhiệm vụ, chức trách được giao.
Nhiều ý kiến nhận định, việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp lần này có thể có tác động trực tiếp đến công tác cán bộ trong cả hệ thống chứ không phải “xong rồi bỏ đó”; trong bối cảnh công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò là “then chốt của then chốt”.
Mỗi đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Kết quả công bố tuần qua có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nhìn lại kết quả của sự nỗ lực, cố gắng trong thời gian qua, với lĩnh vực hoàn thiện thể chế, cử tri và nhân dân ghi nhận trong nửa đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã có sự cố gắng rất lớn: Ban hành hơn 1.000 văn bản (gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và gần 900 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Điều đáng nói là qua theo dõi ý kiến của các cuộc tiếp xúc xử tri trước kỳ họp của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cử tri cho rằng, chất lượng các luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua trong nửa nhiệm kỳ khóa XV được nâng lên, cho thấy tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, sáng tạo, năng động ứng phó, thích ứng trước những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.
Nhiều giải pháp, văn bản pháp luật được đưa ra kịp thời sau khi được chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương và sự tham gia rộng rãi, hiệu quả của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, được tham vấn, lắng nghe nghiêm túc ý kiến đánh giá độc lập, ý kiến phản biện qua đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học.
Qua lắng nghe ý kiến và kỳ vọng của cử tri, nhân dân gửi gắm đến kỳ họp Quốc hội lần này, đa số đều bày tỏ mong muốn Quốc hội và các vị đại biểu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước những ngày tới thảo luận kỹ lưỡng, nhận diện thật rõ, bàn bạc và đưa ra những quyết sách quan trọng, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ.
Chúng tôi có mặt tại nhiều cuộc làm việc ngay trước kỳ họp thứ 6 tại cơ sở, lắng nghe nhiều kiến nghị, đề đạt của cán bộ, người dân ở thành phố Hải Phòng, Cần Thơ, các tỉnh: Sóc Trăng, Hậu Giang, Sơn La… với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn công tác Trung ương, tựu trung cán bộ, nhân dân đều gửi gắm niềm tin, kỳ vọng trong chương trình nghị trường bận rộn cuối năm, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa, cụ thể hóa qua hoạt động lập pháp với tinh thần “lập pháp chủ động”, có nhiều cải tiến, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực quan trọng này.
Điều đó sẽ được thể hiện một cách sinh động, cụ thể trong tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự: dành cả ngày thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Đặc biệt, Quốc hội dành cả ngày 3/11 để thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); một trong những dự án luật đã và đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội.
Cử tri rất mong đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, hiến kế giúp Quốc hội ban hành các quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, góp phần kiến tạo để đất nước phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.