Với phương châm học Bác “nói đi đôi với làm”, CCB Lường Văn Nui, bản Nghị, xã Pá Khoang, TP. Ðiện Biên Phủ luôn trăn trở suy nghĩ hướng phát triển mô kinh tế phù hợp với gia đình. Năm 2013, ông bắt đầu tìm hiểu và xây dựng mô hình nuôi ong rừng lấy mật. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, hiện nay gia đình ông đã phát triển được gần 100 tổ ong rừng; trung bình 1 năm cho thu hoạch khoảng 300 lít mật với giá bán từ 150 – 200 nghìn đồng/lít mật thô. Cùng với nuôi ong rừng lấy mật, ông Nui còn trồng hơn 1.000m2 cây ăn quả như: Xoài, mận, mít và gần 2.000m2 ao nuôi thả cá… Hàng năm mô hình kinh tế của gia đình CCB Nui cho thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng.
Năm 1977, CCB Lò Văn Tương, bản Na Phay 2, xã Mường Nhà, huyện Ðiện Biên xuất ngũ trở về địa phương. Với ý chí, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, ông quyết tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng việc xây dựng mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng. Ðầu tiên ông thuê máy đào ao cá với diện tích 3.000m2. Ðể tạo thêm nguồn thức ăn cho cá, ông Tương đầu tư nuôi gia súc, gia cầm để tận dụng phụ phẩm từ chăn nuôi. Ngoài chăn nuôi, ông Tương lựa chọn trồng các loại cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cam Cao Phong lòng vàng, bưởi, xoài. Ðến nay, gia đình CCB Lò Văn Tương đã xây dựng được trang trại gồm: 3.000m2 ao cá, 7 con trâu; gần 400 cây cam cao phong, 20 cây bưởi da xanh, 30 cây xoài; 6.000m2 lúa nước, 6.000m2 trồng ngô. Sau khi đã trừ chi phí, gia đình CCB Lò Văn Tương mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.
CCB Lường Văn Nui, Lò Văn Tương chỉ là 2 trong số gần 19.000 hội viên CCB hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh sau khi xuất ngũ trở về địa phương tập trung lao động sản xuất, học và làm theo tấm gương Bác. Với phương châm “Học tập và làm theo lời Bác phải cụ thể, lời nói đi đôi với việc làm”, thời gian qua các cấp hội CCB trong trên địa bàn tỉnh đã triển khai các biện pháp giúp hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hàng năm, các cấp hội CCB phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình kinh tế, hộ sản xuất giỏi trong và ngoài tỉnh; từ đó giúp hội viên CCB nâng cao kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chỉ tính riêng phong trào “CCB đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 40 doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng trăm mô hình kinh tế trang trại, gia trại do các CCB làm chủ, với thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, các cấp hội CCB toàn tỉnh đang quản lý trên 500 tổ vay vốn, tạo điều kiện cho trên 17.000 lượt hội viên được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, với tổng dư nợ gần 960 tỷ đồng. Ðến nay, tỷ lệ gia đình hội viên CCB có kinh tế khá, giàu chiếm trên 45% tổng số hội viên. Trung bình mỗi năm có từ 2 – 3% gia đình hội viên CCB thoát nghèo.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hàng năm Hội CCB tỉnh tổ chức đăng ký thi đua và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong học và làm theo Bác. Với những việc làm cụ thể, thiết thực đã và đang góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của CCB trong thời đại mới. Họ là tấm gương sáng về đức tính cần cù, sáng tạo, nêu cao ý chí phấn đấu để thế hệ trẻ học tập và noi theo.