Đại biểu Tạ Thị Yên và đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện đồng tình với nội dung tờ trình của Chính phủ khi cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, và cũng không phải là cam kết quốc tế nên không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Như vậy có nghĩa là, dù mình có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI như thế nào đi nữa (dưới 15%), thì các quốc gia khác cũng sẽ thu của doanh nghiệp đó phần chênh lệch. Do đó, Việt Nam cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu như một loại thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình” – đại biểu Tạ Thị Yên khẳng định.
Theo dự thảo Nghị quyết thì việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu áp dụng cho các công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu EUR trở lên. Thời hạn áp dụng, từ năm tài chính 2024 trùng với lộ trình chung của các nước, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Nhà nước để doanh nghiệp yên tâm, tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Sau khi áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Bộ Tài chính cần có đánh giá tác động của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thu ngân sách nhà nước để từ đó cân đối lại ngân sách nhà nước trung hạn 5 năm 2021-2025, rà soát, điều chỉnh chính sách chi, có thể là tăng chi cho đầu tư phát triển, báo cáo Quốc hội, vì thuế thu nhập doanh nghiệp luôn được coi là công cụ mạnh để Chính phủ điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng: “Một khi có nguồn thu bổ sung cho ngân sách nhà nước từ sắc thuế doanh nghiệp bổ sung này, Chính phủ có thể xem xét, cân nhắc, báo cáo Quốc hội sửa đổi thuế thu nhập cá nhân theo hướng: điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng như ngưỡng thu nhập chịu thuế của thuế thu nhập cá nhân nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả từ các nước, để khoan sức dân, kích cầu tiêu dùng, kích thích phát triển kinh tế theo xu thế chung và định hướng cải cách chính sách thuế”.
Đại biểu dự báo, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu có khả năng sẽ làm mất đi một trong những chính sách ưu đãi về thuế quan trọng mà doanh nghiệp đầu tư FDI từng mong muốn được hưởng để đầu tư vào Việt Nam. Để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu các chính sách để đảm bảo môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đại biểu Tạ Thị Yên tin tưởng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ tìm ra được những đòn bẩy kinh tế mới, kể cả các ưu đãi khác hoặc có những giải pháp phi kinh tế mới tương xứng, hữu hiệu, toàn diện, phát huy lợi thế so sánh, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính của ngành mình, địa phương mình, để quá trình chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn diễn ra một cách thuận lợi, nhất là khi đầu tư vào các ngành công nghệ cao, năng lượng mới, mang lại việc làm, thu nhập cho người dân và sự phát triển cho đất nước.