Về Tênh Phông vào mùa nào, chúng ta cũng cảm nhận được sự xanh mát của những cánh rừng. Đó là kết quả rất tích cực của bà con nơi đây trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trên tuyến đường từ thị trấn Tuần Giáo đến trung tâm xã Tênh Phông, không khó để bắt gặp những cây gỗ nhiều năm tuổi đang vươn mình giữa đại ngàn. Gặp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, thông tin đầu tiên Phó Chủ tịch UBND xã Tênh Phông Lầu A Nênh chia sẻ: “Người Mông thường sinh sống ở vùng núi cao, cuộc sống phụ thuộc vào làm nương, nhưng với người Mông ở Tênh Phông, không vì thế mà bà con phá rừng để làm nương. Quan niệm sinh ra từ rừng và khi chết tất cả lại trở về với rừng đã trở thành niềm tin trong tâm thức của đồng bào nơi đây. Người dân Tênh Phông không chỉ quyết tâm giữ rừng và tìm mọi cách để bảo vệ những diện tích rừng sẵn có, mà còn tích cực khoanh nuôi tái sinh và phát triển diện tích rừng trồng để nâng tỷ lệ che phủ rừng trong xã”.
Người dân trên địa bàn xã Tênh Phông chủ yếu là bà con dân tộc Mông, dù cuộc sống phụ thuộc chính vào nương, nhưng họ đặc biệt coi trọng việc giữ rừng. Hiện nay, toàn xã có trên 2.300ha rừng, trong đó cộng đồng 3 bản: Ten Hon, Xá Tự và Há Dùa được giao quản lý hơn 1.700ha. Với đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã, họ coi trọng rừng như một phần thân thể của mình. Bởi lẽ, rừng không chỉ che chở, tránh thiên tai, lũ lụt, bảo vệ nguồn nước, tạo hệ sinh thái trong lành, mà còn góp phần tăng thêm nguồn thu nhập từ những cây trồng, lâm sản phụ dưới tán rừng và từ tiền chi trả DVMTR. Với những vai trò, tác dụng đó, bà con ở Tênh Phông đã tích cực bảo vệ rừng bằng nhiều cách.
Dẫn chúng tôi tham quan những cánh rừng xanh tốt trong bản, ông Mùa A Lầu, bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo tự hào nói: “Họp bản, chúng tôi luôn tuyên truyền cho bà con dân bản để cho họ hiểu về lợi ích to lớn của việc giữ rừng. Chẳng hạn như bảo vệ rừng để có nguồn nước cho ta uống, rừng che phủ tạo ra gió mát. Nếu không bảo vệ tốt, để rừng bị cháy thì chúng ta không có nguồn nước sử dụng. Nhờ được tuyên truyền để bảo vệ rừng hằng năm nên bà con chấp hành tốt lắm!”.
Ở Tênh Phông, mỗi bản đều thành lập tổ, đội quản lý, bảo vệ riêng để tuần tra, bảo vệ rừng. Vào mùa mưa, các thành viên thực hiện tuần tra thường kỳ mỗi tuần một lần; còn những thời điểm có nguy cơ cháy rừng cao sẽ tăng cường thực hiện 2 – 3 lần/tuần. Thậm chí có những thời điểm, các tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng luôn thường trực trên rừng nhằm kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ tuần tra rừng đều đặn thời gian trước, tổ quản lý, bảo vệ rừng bản Ten Hon đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng ngoài địa bàn đến khai thác gỗ trái phép để bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý. Từ đó đến nay, trên địa bàn không ghi nhận thêm bất kỳ vụ cháy hay phá rừng nào.
Ông Giàng A Khá, Tổ Quản lý Bảo vệ rừng bản Ten Hon chia sẻ: “Bản tôi bố trí 1 tháng đi kiểm tra rừng từ 1 đến 3 lần để xem có chỗ nào bị cháy hay không, mỗi lần đi khoảng 10 người. Nếu có cháy hay gì đột xuất phải báo cáo về bản để cử người lên xử lý. Khi tuần tra thì cũng gặp khó khăn, không có đường để đi, phải phát đường mới có lối đi, gặp những ngày mưa gió không chỉ đường trơn, mà còn có nguy cơ bị cây đổ xuống rất nguy hiểm… Khó khăn, vất vả như thế nhưng các thành viên trong tổ vẫn cố gắng đi tuần tra đầy đủ theo phân công”.
Xác định tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của rừng đối với đời sống; từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ rừng của mỗi cá nhân, cộng đồng là việc làm cần thiết và quan trọng, xã Tênh Phông đã tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy tuyên truyền làm yếu tố then chốt đem lại hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng. Để làm được điều đó, chính quyền địa phương cũng như các bản thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn cung cấp thông tin, kiến thức liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng cho bà con. Các nội dung tuyên truyền đã giúp bà con nắm bắt được tình hình hiện trạng cũng như diễn biến rừng của bản, của xã. Qua đó, bà con đã nhận thấy rõ hơn tác dụng của rừng đối với đời sống và các cách làm cụ thể để giữ rừng hiệu quả.
Ông Lò Văn Hùng, Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo cho biết: “Phụ trách địa bàn tại xã Tênh Phông, tôi nhận thấy bà con đồng bào người Mông trong xã bảo vệ rừng rất tốt. Bên cạnh việc cùng với lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát, phối hợp với tổ bảo vệ rừng của bản để nắm bắt, phát hiện trường hợp vi phạm, ngăn chặn, xử lý kịp thời, bà con còn chủ động nắm bắt địa bàn, thay phiên nhau tuần tra bảo vệ. Có vấn đề gì dù lớn hay bé cũng đều báo cáo kịp thời để cùng phối hợp xử lý…”.
Nghe những chia sẻ của người dân, chính quyền địa phương cũng như đánh giá của lực lượng chức năng về thành quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Tênh Phông, chúng tôi cũng thấy vui lây. Không phải bỗng nhiên rừng xanh tươi mãi, mà đó là những nỗ lực của các cán bộ, đảng viên, người có uy tín tại địa phương đã gương mẫu đi đầu trong bảo vệ, phát triển rừng để tạo ra “trái ngọt” hôm nay. Chia tay những cánh rừng ở Tênh Phông, chúng tôi tin tưởng rằng, thời gian tới với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến bản, nhất là phát huy ý thức bảo vệ rừng của mỗi người dân, những cánh rừng nơi đây tiếp tục không xảy ra cháy rừng, không có tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái quy định và sẽ mãi xanh tươi.