Dù đã có sự phát triển vượt bậc cả so với giai đoạn trước, thế nhưng nhìn thẳng vào thực tế, chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đầu tiên phải kể đến vấn đề nguồn nhân lực ngành du lịch còn thiếu và yếu, dẫn đến chất lượng phục vụ chưa cao. Đơn cử như vào thời điểm đầu năm 2024, lượng khách nước ngoài đến Điện Biên du lịch khá đông. Cùng với đó là việc sử dụng dịch vụ ăn, nghỉ, đi lại và phải giao tiếp rất nhiều với những người làm du lịch. Trong khi ngoài một bộ phận chủ cơ sở có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh còn lại hầu hết các nhân viên phục vụ đều chỉ biết chào hỏi đơn thuần. Ngay như tại một quán ăn khá nổi tiếng gần đây ở khu vực trung tâm TP. Điện Biên Phủ có lượng khách nước ngoài lớn nhưng rất ít nhân viên tại đây giao tiếp được bằng tiếng Anh, chưa kể các tiếng nước ngoài khác. Nếu không có hướng dẫn viên đi kèm thường xuyên xảy ra trường hợp khách nước ngoài gọi món phải chỉ vào thực đơn và trao đổi với nhân viên bằng ngôn ngữ ký hiệu. Việc thanh toán cũng không suôn sẻ khi nhân viên nhà hàng không thể trao đổi được với khách nước ngoài về số tiền phải trả. Tất nhiên nếu với người nhanh ý có thể sử dụng các phần mềm dịch trên điện thoại thông minh để hỗ trợ.
Những thực tế trên cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, chưa thể tiếp đón và phục vụ khách nước ngoài chu đáo. Và như vậy, dù đồ ăn có ngon, tươi cười, thân thiện chào đón thì khách du lịch nước ngoài cũng khó có thể hài lòng 100%. Tại trung tâm TP. Điện Biên Phủ còn như vậy thì tại các khu vực phụ cận hoặc các huyện xa càng khó có thể tốt hơn.
Đó mới chỉ là một vấn đề về ngôn ngữ, còn rất nhiều yếu tố khác như thái độ, cung cách phục vụ, giao tiếp với khách du lịch… cũng đang là vấn đề trăn trở với những nhà quản lý lĩnh vực du lịch. Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 130 nhà hàng có thể đón tiếp, phục vụ khách với trên 6.700 bàn. Cùng với sự phát triển chung, các hoạt động và dịch vụ du lịch phát triển đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, số lượng lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch không ngừng tăng lên. Đến nay có khoảng 10.000 lao động, trong đó 4.000 lao động trực tiếp. Thế nhưng, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn rất thấp, khiến cho các nhà hàng, khách sạn lớn muốn tuyển dụng nhân sự có chất lượng cũng “lực bất tòng tâm”…
Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Điện Biên tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Các công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành khởi đầu năm mới thuận lợi với lượng khách đạt ngoài kỳ vọng. Nhưng cũng nhờ đó mà họ lại là người đầu tiên, trực tiếp lắng nghe những phản hồi về du lịch tỉnh. Bên cạnh những điểm tích cực, còn không ít những vấn đề dù có “trái tai” nhưng vẫn phải lắng nghe và chắc chắn phải tiếp thu vì “thuốc đắng mới dã được tật”.
Anh Phan Thạch Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Điện Biên Cùng Thổ Địa là người tâm huyết với du lịch. Những phản hồi của du khách dù tích cực hay tiêu cực anh đều tiếp thu để điều chỉnh hoạt động của Công ty và chuyển lời tới các cơ quan quản lý Nhà nước. Anh Thành chia sẻ: “Đầu năm 2024, lượng khách tăng đột biến, Công ty chúng tôi vì thế mà cũng được hưởng lợi nhiều. Trong quá trình dẫn khách tại Điện Biên, nhiều khi chúng tôi cũng không thể giải đáp những thắc mắc của du khách về chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh. Đầu tiên là về môi trường, cảnh quan đô thị. Từ cuối năm 2023 đến thời điểm này, chỉ còn ít ngày nữa thôi là khai mạc Lễ hội Hoa Ban nhưng đường sá bụi bặm, khắp nơi là công trường. Tiếp đó là cơ sở lưu trú còn quá thiếu cả về số lượng và chất lượng phục vụ, không đủ đáp ứng được cho du khách. Các cơ sở dịch vụ ăn uống cũng chưa có sự tổng hợp, xây dựng thành bản đồ hướng dẫn các điểm, các nhà hàng, khách sạn cho du khách…
“Chúng tôi đón những du khách trở lại thăm Điện Biên sau nhiều năm đi cùng họ hàng, người thân. Sau khi đi tham quan trở về họ chia sẻ với chúng tôi rằng sau bao nhiêu năm rồi, ngoài các điểm di tích Điện Biên vẫn chưa có thêm gì sao? Có du khách thì lại hỏi TP. Điện Biên Phủ có chợ đêm không, có phố đi bộ không? Có thể thấy là hiện nay các sản phẩm du lịch còn quá ít, chủ yếu dựa vào các điểm di tích lịch sử mà thiếu đi các điểm vui chơi, trải nghiệm khác. Thêm nữa, khi đưa khách đi tuyến huyện thì có nhiều không gian trải nghiệm bản sắc văn hóa nguyên sơ của các dân tộc Điện Biên nhưng ngay tại TP. Điện Biên Phủ điểm chính đón khách thì lại không có. Các bản văn hóa khu vực lòng chảo hầu như chưa được quy hoạch để làm điều đó mà chỉ có phục vụ ăn uống. Thiếu các sản phẩm đó nên chúng tôi buộc phải đưa khách vào các điểm vui chơi giải trí, check-in quanh thành phố. Có du khách thích, nhưng cũng có khách phản ứng rất gay gắt rằng chỗ họ không thiếu những nơi như thế này, họ đến đây không phải là để check-in với mấy luống hoa. Họ lên là muốn trải nghiệm những thứ riêng có của Điện Biên chứ trồng hoa, tiểu cảnh nhiều nơi khác còn làm tốt hơn Điện Biên” – Anh Phan Thạch Thành trăn trở.
Còn rất nhiều những vấn đề mà du khách đến với Điện Biên còn cảm thấy thiếu và chưa thỏa mãn, như: Các điểm di tích còn “nghèo” hoạt động trải nghiệm; sản phẩm quà tặng du lịch chưa phong phú, đa dạng; thiếu các điểm vui chơi hấp dẫn, độc đáo… Mong rằng, với “cú huých” là Năm Du lịch quốc gia – Điện Biên 2024, chất lượng dịch vụ du lịch sẽ có sự thay đổi vượt bậc, trên tất cả các phương diện để ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển xứng tầm với tiềm năng.