Tuyến đường hiện trạng nối từ Quốc lộ 12 tới trung tâm xã Hẹ Muông là tuyến độc đạo, có chiều dài khoảng 10km, được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2003, với nền đường rộng từ 5m, mặt đường cấp phối rộng 3m. trong đó khu vực hưởng lợi trực tiếp gồm các bản: Yên Cang 2, Co Mỵ, Na Dôn, Sái Lương và Nậm Hẹ, với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Thái. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hiện nay tuyến đường này đã bị hư hỏng trên toàn tuyến.
Qua ghi nhận trên tuyến đường này chi chít ổ gà, ổ voi, kích thước tương đối lớn. Hệ thống thoát nước ngang, dọc chưa được đầu tư. Vào những ngày mưa to hoặc mùa mưa, đường thường xuyên bị ngập, xuất hiện nhiều vũng lầy rộng. Những hố sâu được bà con tạm thời lấy gạch, vữa vụn đổ vào để việc đi lại đỡ gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, người dân đi lại vẫn luôn phải dè chừng vì chỉ cần mất kiểm soát có thể dẫn đến tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Các phương tiện hai bánh phải lưu thông men hai bên đường tránh lầy, còn với ô tô lại là một thách thức đối với tay lái của mỗi bác tài. “Dù đường đã xuống cấp nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa được bảo trì, sửa chữa. Ngày mưa đã vậy, ngày nắng thì bụi bặm. Vì vậy, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra” – Anh Lò Văn Thìn (xã Sam Mứn) cho biết.
Còn anh Quàng Văn Sính, một tài xế thường xuyên chở hàng qua tuyến đường này cho biết, con đường xuống cấp đã lâu nhưng thời gian vừa qua tình trạng này đã nặng hơn nhiều lần so với thời gian trước. “Chỉ mong cơ quan chức năng sớm đưa ra phương án sửa chữa tuyến đường này cho bà con đi lại được an toàn hơn” – anh Sính cho hay.
Trên đoạn tuyến có cầu treo Co Mỵ dài 90m bắc qua dòng Nậm Núa. Đây là công trình giao thông quan trọng trên tuyến đường với thiết kế cầu treo dây văng, khung sắt, bản mặt thép. Tuy nhiên, hiện cây cầu cũng bị xuống cấp, như: Bản mặt cầu có lỗ hổng, một số gờ chắn và nẹp bị hỏng, nhiều đinh vít cố định bị mất… khiến mặt cầu rung lắc mạnh khi có người và xe đi qua, nhất là vào mùa mưa lũ, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho bà con. Người dân ở đây cho biết, dù tải trọng thiết kế là 2,5 tấn nhưng do đã cũ nên chỉ có phương tiện giao thông cỡ nhỏ, từ xe bán tải trở xuống là có thể lưu thông. Trong khi đó, xe tải chở nông sản hoặc vật liệu xây dựng phải đi đường tránh rất dốc ở ngay bên cạnh cầu để vượt qua dòng Nậm Núa. Vào mùa mưa, nước lên thì không thể đi được nữa, việc vận chuyển hàng hóa càng khó khăn hơn. Vì thế, bà con phải dùng xe máy cho đến phương tiện thô sơ để đưa hàng sang tập kết ở đầu bên kia, sau đó lại thuê xe tải chở đi và ngược lại.
Gia đình bà Vì Thị Hặc ở bản Co Mỵ, xã Sam Mứn sống ngay gần cầu Co Mỵ nên thấu hiểu được những vất vả cũng như hiểm nguy mà người dân địa phương đang đối mặt từng ngày. Bà kể rằng, do địa hình dòng Nậm Núa dốc, nếu mưa từ đầu nguồn thì nước dâng lên rất nhanh, có khi còn xảy ra lũ quét. Vì vậy, nhiều xe tải chở hàng có đến được bên kia chân cầu nhưng cũng không thể dùng đường tránh để vượt qua dòng Nậm Núa được, đành phải quay về. Thậm chí, đã có trường hợp xe tải chở nông sản của bà con đang ở giữa dòng thì chết máy, không sửa được nên phải đợi cả buổi mới kéo được lên bờ. Nếu lúc đó mà chẳng may có lũ quét thì sẽ gây thiệt hại có thể cả người và tài sản của bà con. “Đề nghị chính quyền quan tâm làm một cây cầu mới to hơn, chắc chắn hơn để giao thông dễ dàng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế” – Bà Vì Thị Hặc bộc bạch.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên xác nhận, hiện tuyến đường này đã xuống cấp nặng nề, khiến việc đi lại, lao động sản xuất của nhân dân địa phương gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro tại nạn giao thông. Mới đây, UBND tỉnh Điện Biên đã có Công văn (số 3028/UBND-KTN ngày 18-7-2023) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét, hỗ trợ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện dự án đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông trong giai đoạn 2023 – 2025. “Người dân trong khu vực chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi với hình thức tự cung tự cấp, kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Chính quyền địa phương rất mong các cơ quan chức năng quan tâm để có thể cải tạo tuyến đường sớm nhất cho bà con yên tâm sản xuất, đi lại thuận tiện” – Ông Bùi Hải Bình cho hay.