Trên hành trình khám phá bản sắc văn hóa của các dân tộc trên mảnh đất trung du này, chúng tôi còn được tìm hiểu về điệu múa Tắc Xình của người Sán Chay, phường múa rối cạn Thẩm Rộc và nghề đan nón lá của người Tày. Trong không khí ấm tình của người dân địa phương và đoàn nhiếp ảnh gia, cây viết từ 3 miền, chúng tôi còn được những nghệ nhân của làng Bờ Đậu giới thiệu về nghề truyền thống gói bánh chưng. Bên bếp lửa đượm hồng luộc nồi bánh chưng, những tình cảm trao đi, ánh mắt trìu mến nhận lại đã dệt nên miền cảm xúc yêu thương trong mỗi thành viên của đoàn.
Những câu chuyện về Thái Nguyên vẫn còn đong đầy, đưa đoàn photo tour trải nghiệm tinh thần thượng võ và văn hóa xứ Trà. Võ học đã hiện hữu trên vùng đất Thái Nguyên bao đời qua, được truyền lưu qua nhiều thế hệ, từ thuở Lý Nam Đế dựng nước Vạn Xuân cho tới thời kỳ tướng quân Lưu Nhân Chú phò Thái Tổ Lê Lợi đánh đuổi ngoại xâm. Sự kết tinh của võ dân tộc từ võ cổ truyền và võ hiện đại đã hình thành nên võ đạo độc đáo cho Thái Nguyên, không chỉ tốt cho luyện rèn sức khỏe mà còn để bảo vệ quê hương.
Điểm dừng chân cuối lắng đọng của đoàn chính là vùng trà Tân Cương. Chúng tôi đã có cơ hội tìm hiểu về một trong những vùng trồng chè nổi tiếng được mệnh danh trong “Tứ đại danh trà” đất Thái gồm Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương). Mẹ thiên nhiên ưu ái dành cho Thái Nguyên vùng thổ nhưỡng phù hợp cùng khí hậu thuận lợi, còn những người con xứ này đã biến trà thành nội lực, thành sức mạnh để xây đắp cho tương lai mạnh giàu. Bước chân trên những nương chè ngát xanh, ngắm nhìn những bàn tay thoăn thoắt hái chè, chứng kiến sự miệt mài chuyên nghiệp trong khâu thu hoạch chế biến, và cả niềm tự hào khi nâng chén trà “tiền chát hậu ngọt” mời du khách thưởng thức, chúng tôi đã hiểu được vì sao xứ Thái tự hào khẳng định rằng: với Thái Nguyên, trà là quá khứ, là hiện tại, và là cả tương lai!
Chúng tôi rời Thái Nguyên khi vệt nắng cuối ngày đã tắt trên hồ Núi Cốc, không gian như đang chìm vào hư ảo, chỉ còn lại “một khúc ca giữa bao la mây trời” (trích bài hát Huyền thoại hồ Núi Cốc của nhạc sĩ Phó Đức Phương) vẫn mãi vang xa. Xin được hẹn Thái Nguyên thêm nhiều lần trở lại, để được ngồi với nhau bên đồi chè xanh thơm mát, cùng nhớ về chiến khu xưa và trao gửi cho nhau những thâm tình qua chén trà đậm đà hương sắc trời Nam.
Tạp chí Heritage