Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nông Đức Mạnh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Bí thư; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 – 2025; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, quyền Chủ tịch nước cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Về phía tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lò Văn Mừng, Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh…
Đối với khách quốc tế, có 270 đại biểu, phóng viên báo chí nước ngoài tham dự lễ kỷ niệm. Trong đó có các đồng chí: Chăn-sạ-mỏn Chăn-nha-lat, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng nước CHDCND Lào; Nết-Sa-Vươn, Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia; Trương Khánh Vĩ, Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc; Sébastien Lecornu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng lẵng hoa chúc mừng.
Sau Lễ chào cờ, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đọc diễn văn Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Diễn văn nhấn mạnh: Trải qua “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn”, với “đôi chân đất”, tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh hùng của quân và dân ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, là thắng lợi của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; tạo cơ sở, tiền đề cho việc giải phóng, xây dựng miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, không chỉ có ý nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam, mà còn trở thành bản anh hùng ca bất hủ thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.
Thủ tướng nhấn mạnh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và ý chí quyết chiến, quyết thắng. Phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, xác định đúng đường lối chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh Nhân dân của Việt Nam. Xây dựng và củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh công nhân – nông dân – trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Kết hợp chặt chẽ, hài hoà, hiệu quả giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Chương trình diễu binh, diễu hành tại lễ kỷ niệm có sự tham gia của 12.000 người, gồm các lực lượng: Quân đội, dân quân tự vệ, công an, các ban ngành, đoàn thể xã hội. Chương trình lễ diễu binh, diễu hành mở đầu bằng 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước CHXHCN Việt Nam. Tiếp đó là phần trình diễn của 11 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài. Các khối diễu binh, diễu hành là điểm nhấn quan trọng, thể hiện sự hùng tráng, biểu dương lực lượng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau khi diễu hành qua lễ đài, các khối di chuyển qua đường Hoàng Văn Thái đến ngã tư A1 chia thành 3 hướng: Hướng 1 gồm 8 khối lực lượng vũ trang và các khối của tỉnh Điện Biên đi theo đường Võ Nguyên Giáp về đường 7/5; hướng 2 gồm 7 khối các lực lượng quân đội đi qua cầu A1, đường Nguyễn Hữu Thọ và tập kết tại phường Thanh Bình và hướng 3 gồm 8 khối lực lượng công an qua phường Nam Thanh và tập kết tại khu đô thị Pom La (huyện Điện Biên).