Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã có 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI…) bị thi hành kỷ luật. Điều này cho thấy, công cuộc chống “giặc nội xâm” được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả toàn diện và có bước đột phá mới ở cả trung ương và địa phương.
Song, sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ cũng như những bất cập trong công tác cán bộ vẫn khiến dư luận bức xúc, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với vấn đề kiểm soát quyền lực. Mới đây, việc ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh sử dụng bằng giả bị phát hiện, khiến dư luận thêm một lần nhức nhối về “lỗ hổng” trong quy trình công tác cán bộ. Nhức nhối bởi lẽ, người đứng đầu cơ quan kiểm tra của Tỉnh ủy lại có hành vi mờ ám trong việc “làm đẹp” hồ sơ, “tô vẽ” trình độ học vấn của mình để “chui sâu, leo cao”. Dư luận cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tham mưu, nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm trường hợp này.
Vấn đề kiểm soát quyền lực được Trung ương đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, từ nhiệm kỳ Đại hội XII và Đại hội XIII, vấn đề này được nhìn nhận với tư duy và nhận thức mới. Gần đây nhất, ngày 11-7-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TƯ về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (thay thế Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền). Tiếp đó, ngày 27-10-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 131-QĐ/TƯ về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TƯ về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Quy định số 114-QĐ/TƯ chỉ rõ 19 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định số 131-QĐ/TƯ nêu rõ 22 biểu hiện của hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán…. Còn Quy định 132-QĐ/TƯ nêu 28 biểu hiện của hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Việc chỉ rõ biểu hiện của các hành vi tiêu cực, tham nhũng tại các quy định chính là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và nhân dân nhận diện, đấu tranh.
Các quy định có sự kế thừa, phát triển, bổ sung những nội dung để đồng bộ với quy định mới cũng như tình hình hiện nay về công tác cán bộ, nhằm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ cũng như trong các công tác kiểm tra, giám sát, hoạt động thanh tra, kiểm toán, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Như vậy, có thể thấy, 3 quy định nêu trên tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng đối với những lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các quy định này sẽ giúp tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên đảm trách những công việc quan trọng tự soi, tự sửa, tránh mắc phải khuyết điểm, vi phạm.
Việc Đảng ta dành sự quan tâm sâu sắc đến nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, xét xử, thi hành án… là điều tất yếu, vì quyền lực luôn có hai mặt. Một mặt, đó là công cụ hữu hiệu tác động tới hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo. Mặt khác, quyền lực sẽ có nguy cơ tha hóa, nếu không có sự kiểm soát hiệu quả. Khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực. Đó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới vấn đề kiểm soát quyền lực khi trao cho cán bộ, đảng viên. Bởi vì, “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Do đó, nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn kiểm soát quyền lực phải có hai điều: “Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”.
Khẳng định công tác kiểm tra, giám sát của Đảng chính là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu quan điểm cần khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước… chống tư tưởng quyền anh, quyền tôi “cua cậy càng, cá cậy vây”.
Có thể thấy, cùng với việc không ngừng đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cả nước nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, Đảng ta ngày càng quyết tâm cao phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, xét xử… Đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với rất nhiều thời cơ và thách thức luôn đan xen, đòi hỏi cán bộ các cấp phải có tài năng, có đạo đức cách mạng, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Quy định số 114-QĐ/TƯ, Quy định số 131-QĐ/TƯ, Quy định số 132-QĐ/TƯ và các quy định của Đảng chắc chắn sẽ được thực hiện quyết liệt, kiểm soát hiệu quả quyền lực, góp phần phòng, chống tham nhũng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược thật sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.