Năm 2023 huyện Tủa Chùa đã chuyển đổi gần 357ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại: sắn, khoai sọ, cây gai xanh… Điển hình như gia đình anh Sùng A Trù, bản Cáng Phình, xã Lao Xả Phình trước đây trồng lúa nương, nhưng năng suất thấp, rồi chuyển sang trồng cây ngô nhưng giá cả cũng bấp bênh. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, rồi tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gai xanh, gia đình anh đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa nương sang trồng 1ha cây gai xanh.
Anh Trù cho biết: Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây gai xanh phát triển rất tốt, đã thu hoạch được mấy lứa. Trung bình mỗi năm gia đình thu nhập từ 60 – 80 triệu đồng. Đặc biệt, tham gia mô hình liên kết, đầu ra sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ, không xảy ra tình trạng được mùa mất giá.
Tại huyện Tuần Giáo, năm 2023 huyện đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi gần 300ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, như: Cây ăn quả, mắc ca… Tại các xã Pú Nhung, Rạng Đông, nếu như trước đây người dân chỉ tập trung trồng cây ngô, lúa nương thì những năm gần đây, được sự định hướng, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân đã từng bước chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như: Xoài, bưởi da xanh, dứa, mít… Đến nay, Pú Nhung (100ha) và Rạng Đông (50ha) cây ăn quả đã trở thành vùng cây ăn quả tập trung của huyện Tuần Giáo.
Ông Bùi Hữu Văn, bản Rạng Đông, xã Rạng Đông là một điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2017 trở về trước, gia đình ông Văn chủ yếu canh tác lúa nương nhưng kém hiệu quả. Năm 2018, khi được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời được hỗ trợ giống, phân bón, liên kết tiêu thụ sản phẩm, gia đình ông Văn đã chuyển đổi sang trồng cây xoài. Đến nay, vườn xoài của gia đình bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trong bản đã tham gia và thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất.
Những năm qua, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nguời dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Riêng trong năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi trên đất trồng lúa hơn 2.434ha (bao gồm đất ruộng 2 vụ lúa, đất ruộng 1 vụ lúa và đất lúa nương); tăng 851ha so với năm 2022. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm (dong riềng, khoai sọ, sắn, cỏ chăn nuôi…) hơn 987ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm (cây ăn quả, cây dược liệu, cây mắc ca…) hơn 1.447ha. Các diện tích được chuyển đổi đa số là trên đất lúa nương chiếm 94,85% tổng diện tích thực hiện. Diện tích chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm hơn 987ha, cây lâu năm hơn 1.447ha. Diện tích sau khi được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm đã giúp người dân ổn định thu nhập (tùy theo loại cây trồng tăng từ 3 đến 5 lần so với trồng lúa nương); hình thành một số vùng tập trung đối với cây ăn quả, cây mắc ca… đời sống nông dân từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa còn gặp không ít khó khăn. Một bộ phận dân cư vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước; việc huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn hạn chế. Diện tích chuyển đổi vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa phát huy hết tiềm năng, năng suất, chất lượng của cây trồng để đáp ứng được yêu cầu của thị trường; trình độ canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân còn hạn chế; việc chế biến sâu sau thu hoạch còn ít.
Năm 2024, toàn tỉnh dự kiến diện tích chuyển đổi hơn 866ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 544ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm hơn 322ha. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Trồng trọt đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện sản xuất của các tỉnh miền núi.