Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Tủa Chùa xảy ra nhiều đợt mưa to kéo dài, gây thiệt hại, hư hỏng nhiều công trình giao thông, làm xói trôi nền, mặt đường; hư hỏng cầu, cống; sụt lở, ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trên địa bàn huyện có 21 tuyến với hàng trăm điểm bị sạt lở, sụt lún nền đường, trong đó nhiều tuyến đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như: Tuyến đường từ xã Lao Xả Phình đi xã Trung Thu đoạn qua Trường THCS và Tiểu học bán trú xã Lao Xả Phình sạt taluy dương với tổng khối lượng đất đá khoảng 4.500m3; đoạn đường tránh từ Trường THCS-THPT xã Tả Sìn Thàng – xã Sín Chải chiều dài khoảng 40m bị sạt lở taluy dương với khối lượng đất khoảng 2.500m3; đường từ xã Lao Xả Phình đi xã Trung Thu đoạn qua thôn Cáng Chua bị sụt lún nền đường sâu 1,2m… Ước tính tổng thiệt hại 6 tỷ đồng.
Ông Đinh Bá Thịnh, Phó phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tủa Chùa cho biết: Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, huyện chủ động xây dựng phương án ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, khắc phục kịp thời, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt trên các tuyến đường với thời gian ngắn nhất. Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá hiện trạng các tuyến đường thường xuyên xảy ra ngập nước; đất, đá lở khối lượng lớn; sụt taluy âm và taluy dương. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ như: Kiểm tra cầu, kè, đường tràn, cống, nền đường, mặt đường, hệ thống báo hiệu đường bộ, đánh giá mức độ an toàn của các công trình; kịp thời phát hiện, xử lý các vị trí hư hỏng. Nhờ đó, từ đầu mùa mưa lũ đến nay, mặc dù một số tuyến đường bị ảnh hưởng, nhưng các đơn vị đã kịp thời khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho người dân.
Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, mưa lũ từ đầu năm đến nay đã làm 8 tuyến đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, mưa lớn diễn ra cuối tháng 7 vừa qua đã làm nhiều điểm trên tuyến đường Phì Nhừ – Phình Giàng – Pú Hồng bị sạt bên taluy âm và trôi cống qua đường gây ách tắc giao thông cục bộ. Đây cũng là tuyến đường trọng yếu của huyện phục vụ các công trình, dự án đang thi công tại 2 xã Phình Giàng và Pú Hồng.
Ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Điện Biên Đông cho biết: Hiện nay, huyện Điện Biên Đông đang quản lý gần 300km đường giao thông nông thôn các loại và trên 520km đường dân sinh do xã, bản quản lý. Hầu hết các tuyến đường đều chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, do vậy vào mùa mưa thường bị sạt lở, ách tắc ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và các phương tiện tham gia giao thông. Để đảm bảo giao thông mùa mưa lũ, huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động chuẩn bị vật tư, máy móc thiết bị, nhân lực phục vụ công tác đảm bảo giao thông. Chỉ đạo chính quyền cấp xã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, xử lý khi có tình huống sạt lở xảy ra.
Từ đầu mùa mưa lũ đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa to, kéo dài làm nhiều tuyến đường giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã… bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều vị trí cầu, cống, nền đường bị hư hỏng. Chỉ tính riêng từ ngày 23 – 31/7 mưa lũ đã làm 32 tuyến đường tại các huyện: Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Nhé bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Trong đó, nhiều tuyến quốc lộ bị sạt lở nặng, như: Quốc lộ 12 đoạn qua địa phận xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) xảy ra lũ quét làm thiệt hại nặng nề, gây tắc đường trong nhiều ngày. Mới đây nhất, trận mưa lũ xảy ra rạng sáng 7/8 đã khiến quốc lộ 12 đoạn qua địa phận xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) bị bùn đất vùi lấp khoảng 100m, khiến giao thông bị gián đoạn trong nhiều giờ.
Ông Bùi Thanh Hiếu, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông vận tải) cho biết: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ, nhất là các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch, phương án triển khai cụ thể. Trong đó xác định các biện pháp thực hiện bảo đảm an toàn giao thông, nhất là đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao theo phương châm “4 tại chỗ”. Sở đã chỉ đạo các đơn vị thành viên, các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện; rà soát các cầu, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ; tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng. Đồng thời, chuẩn bị tốt các phương án về nhân lực, thiết bị, vật tư dự phòng để ứng phó kịp thời, không để xảy ra tắc đường trong nhiều ngày; xây dựng phương án phân luồng xe bảo đảm thông xe liên tục khi mưa lũ xảy ra tắc đường.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/217499/khong-de-ach-tac-giao-thong-trong-mua-mua