Trên thực tế, đa phần người dân hiện nay gặp những bất cập liên quan đến quyền lợi khi mua sắm, tiêu dùng đều chấp nhận hoặc tự giải quyết. Mặc dù, tỉnh đều đã thành lập các ban chỉ đạo, Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Song với tâm lý e ngại hoặc thiếu thông tin, kiến thức nên hầu hết bị hại đều không tìm đến các tổ chức này khi bị thiệt hại về quyền lợi. Nhất là bị thiệt hại trong thương mại điện tử.
Ðơn cử như trường hợp chị Trần Thị Tuyến, ở tổ 1, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ). Theo chị chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chị bắt đầu tiếp cận với việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Lâu dần thành thói quen, đến nay trung bình mỗi tháng chị đều có từ 5 – 7 đơn hàng ngoại tỉnh ship đến nhà, chưa kể các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày đặt từ các cơ sở trên địa bàn. Tiện lợi vì giảm thời gian đi mua sắm, mặt hàng đa dạng, song chị Tuyến cũng thừa nhận không ít lần phải nhận trái đắng khi hàng khác xa với quảng cáo. “Họ đưa giá và mẫu sản phẩm là một loại, nhưng đến khi nhận thì lại là loại khác. Có chỗ cho kiểm tra, hoàn lại nhưng nhiều nơi thì phải thanh toán rồi mới được bóc hàng nên không biết trước chất lượng sản phẩm. Khó chịu, bực bội nhưng cũng đành chịu vì phản hồi lại cửa hàng nhiều lần mà chẳng thấy họ hồi âm. Phản ánh lên cơ quan chức năng thì không biết ở đâu, thủ tục thế nào, mà tiền hàng cũng vài trăm nghìn nên ngại” – chị Tuyến cho biết.
Phẫn uất là tâm trạng chung của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Trang, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ). Mẹ chị là bà Ð. T. V. A. được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn đầu từ giữa năm 2021. Gia đình đã đưa mẹ đi chữa trị, cắt bỏ hoàn toàn khối u và ca mổ được đánh giá thành công, diễn tiến sức khỏe tốt. Tuy nhiên, khoảng gần cuối năm 2022, gia đình phát hiện bà V. A. đặt mua trên mạng nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng. Ðồng thời nghe theo lời tư vấn của người bán, bà V. A. bỏ phác đồ điều trị của bệnh viện, không ăn uống gì thêm, chỉ sử dụng các sản phẩm trên. Ðến giữa tháng 2/2023 sức khỏe bà diễn biến xấu và tử vong. Không có căn cứ để khẳng định về chất lượng sản phẩm, điều khiến gia đình chị Trang bức xúc nhất là những tư vấn của người bán đi ngược với khoa học và ngành y tế. Tuy nhiên, chị lại không thể khiếu kiện bởi mẹ đã mất còn việc mua bán của bà chỉ thực hiện trên mạng, không có hóa đơn, chứng từ. Thậm chí, địa chỉ người bán không rõ ràng, số điện thoại sau đó cũng không thể liên lạc được.
Có thể thấy, thương mại điện tử phát triển nhiều năm và hiện nay đã mở rộng ra khắp các địa bàn, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh những tiện ích mang lại, thì người tiêu dùng cũng gặp không ít rủi ro. Các quy định liên quan đến kiểm tra, xử lý thiếu chặt chẽ đã tạo ra nhiều lỗ hổng khiến người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi. Mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1012/QÐ-TTg, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật mới với nhiều quy định sửa đổi, thay thế, bổ sung kỳ vọng sẽ là “cây gậy” đắc lực để chống gian lận, vi phạm trong kinh doanh. Ðồng thời tạo hành lang pháp lý đảm bảo tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.