Nhiều đại biểu cho rằng, cần có chế tài mạnh để ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối, thông đồng và dìm giá.
Cần chế tài đối với vi phạm trong xác định giá khởi điểm
Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau), cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm trong mối quan hệ chặt chẽ với các quy định pháp luật khác về quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công…
Đại biểu cho rằng, hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, tuy đã được quy định trong luật hiện hành, nhưng trên thực tế còn ít được sử dụng so với các hình thức khác. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tổ chức đấu giá.
“Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung quy định hạn chế tình trạng bỏ cọc, ngăn ngừa phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này. Đại biểu cho rằng, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang phổ biến.
Trong Luật Đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5, Điều 9 về hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ”… Nhiều trường hợp “dựa hoàn toàn” vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc; hoặc trúng đấu giá xong, triển khai dự án trì trệ…
“Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính của người tham gia đấu giá”, đại biểu nêu.
Xem xét quy định về thời gian nộp tiền đặt trước
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) nêu quan điểm về đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, khai thác khoáng sản thì người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia (tại khoản 2a Điều 38 của dự thảo) nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá chậm nhất 1 ngày làm việc trước ngày mở đấu giá.
Theo đại biểu, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá (15 ngày trước ngày đấu giá) đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước (1 ngày trước ngày đấu giá) là khoảng thời gian tương đối dài. Quy định này có thể dẫn đến việc người tham gia đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau: Khi nộp hồ sơ, có thể rất đông người “tạo cơn sốt thị trường ảo”. Tuy nhiên, khi nộp tiền đặt trước thì chỉ một hoặc vài người nộp tiền. Điều này sẽ gây khó khăn cho tổ chức đấu giá cũng như đơn vị có tài sản.
Để hạn chế việc thông đồng, “hồ sơ ảo”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu, không chia quá nhiều trường hợp như dự thảo mà quy định theo hướng: Tất cả các trường hợp đấu giá, không phụ thuộc loại tài sản, cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước; trường hợp khi thẩm định, xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ trả lại tiền đặt trước. Thời hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước quy định khoảng thời gian hợp lý, thống nhất với nhau.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo, tiếp thu và giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm. Bộ trưởng cũng giải trình một số nội dung cụ thể về trình tự thủ tục nhằm hạn chế thông đồng, dìm giá, quân xanh – quân đỏ.
Bộ trưởng cho rằng, Luật Đấu giá là luật hình thức, còn các quy định về giá khởi điểm hay xử lý thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.