Điện Biên TV – Chiều 12/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới tất cả các điểm cầu địa phương ở cả 4 cấp trong toàn quốc.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Điện Biên. |
Dự họp tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Sau khi kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, toàn quốc hiện có 58/63 địa phương đã quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; 474 huyện đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện; hơn 6.000 xã đã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã; có 20 tỉnh, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn yêu cầu, trước và trong quý 3/2025; 13 địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Tính đến ngày 6/1/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho trên 76.300 căn nhà, trong đó hơn 42.000 căn nhà đã khánh thành, trên 34.000 căn nhà khởi công mới.
Cũng theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, đến nay có 12 địa phương nhận được hỗ trợ từ các đơn vị với tổng kinh phí 1.165 tỷ đồng; Tính đến ngày 2/1/2025, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận trên 72 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, cơ quan, địa phương trong thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, thể hiện rõ tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Chính phủ phê bình nghiêm khắc một số bộ, ngành địa phương còn chậm trễ trong việc xác định đối tượng hỗ trợ, đất đai, nguồn lực triển khai chương trình.
Để đảo đảm hoàn thành Chương trình trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của mọi lực lượng cả về nguồn lực lẫn công sức trong việc triển khai làm nhà cho hộ nghèo.
Các bộ, ngành địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tăng cường kiểm tra đôn đốc, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; quyết tâm, quyết liệt để hoàn thành chương trình theo kế hoạch đã đề ra./.
Minh Trang – Duy Hải/DIENBIENTV.VN