Điện Biên TV – Chiều 8/8, đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh khảo sát về tình hình thực hiện chính sách giao đất, giao rừng và bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2019-2023. Làm việc với đoàn có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên; cùng đại diện một số sở, ngành liên quan.
Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc với UBND tỉnh khảo sát về tình hình thực hiện chính sách giao đất, giao rừng và bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2019-2023. |
Giai đoạn 2019-2023, tổng diện tích giao đất, giao rừng là 93.600 ha, trong đó phần lớn được giao cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình, cá nhân với trên 68.000 ha. Các khu vực vùng dân tộc thiểu số cũng nhận được sự quan tâm đáng kể, với 3 khu vực được giao trên 86.000 ha. Đây được coi là một trong những chính sách nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp như: Trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Qua đó đã giúp đồng bào có thêm thu nhập từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, các hình thức liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ mang lại giá trị bảo vệ môi trường.
Về tài chính, trong giai đoạn 2019-2023, tổng nguồn vốn huy động để bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh là 1.440 tỷ đồng, trong đó nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng chiếm 1.160 tỷ đồng.
Trong giai đoạn, tỉnh cũng đã thu hồi trên 712 ha đất có nguồn gốc từ các lâm trường để giao lại cho địa phương quản lý, qua đó đã giải quyết được tình trạng thiếu đất sản xuất cũng như trong lĩnh vực phát triển lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân.
Tỉnh Điện Biên đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Lâm nghiệp để phù hợp hơn với đặc thù địa phương, đặc biệt là quy định về cư trú hợp pháp khi giao rừng. Việc này nhằm tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, thuận lợi trong quản lý và bảo vệ rừng. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế tín chỉ carbon rừng và bổ sung kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng, giúp nâng cao thu nhập và khuyến khích người dân yên tâm bảo vệ tài nguyên rừng.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn đặc thù của tỉnh Điện Biên, đặc biệt là những yếu tố vùng miền và tỷ lệ hộ nghèo cao. Đoàn đã tập trung trao đổi, làm rõ các vấn đề liên quan đến kết quả giao đất giao rừng, thực hiện các chính sách hỗ trợ khoanh nuôi và bảo vệ rừng, xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững và giải quyết tình trạng thiếu đất ở cũng như đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đồng thời chắt lọc những ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan để nghiên cứu, có giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Đức Bình/DIENBIENTV.VN