Xác định môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng là yếu tố cốt lõi tạo niềm tin đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với phương châm: Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhờ đó năm 2023, chỉ số PCI của Điện Biên đã tăng 31 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 31 toàn quốc; trong đó, điểm số của nhiều chỉ số đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tăng cao.
Hiện nay thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày theo quy định đã giảm xuống còn 1,5 ngày làm việc. Thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp được thực hiện liên thông trên môi trường mạng giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với các cơ quan liên quan; hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng để giảm thời gian, chi phí… Điện Biên tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện tốt việc đối thoại, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Điển hình, để chào đón nhà đầu tư đến với dự án Khu dân cư đô thị, thương mại dịch vụ thuộc tổ dân phố 17, 18 phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, thời gian qua UBND thành phố đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.
Theo đó, dự án phải thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng hơn 4,8ha của 87 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức. Đến nay các đơn vị đã thực hiện xong công tác đo đạc quy chủ đối với 100% hộ dân và 1 tổ chức; thực hiện xong công tác kiểm đếm, đo đạc và ban hành thông báo thu hồi đất. Đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận nhà đầu tư đối với Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2 và Công ty Cổ phần Đầu tư MST. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư liên danh VINA2 – MST là gần 200 tỷ đồng, còn lại được huy động từ các nguồn lực hợp pháp khác.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, những năm gần đây nhiều nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn đã đến đầu tư và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Điện Biên, như: Sun Group, Vingroup, Danco, Tập đoàn TNG, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Nam Sơn… Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.408 tỷ đồng, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm trước.
Những thành tựu trong thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn trong chủ trương, hành động. Tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu đến năm 2025 đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thu hút đầu tư tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, như: Nằm cách xa trung tâm kinh tế – chính trị của cả nước là Hà Nội, xa các tỉnh, thành trọng điểm miền Bắc, vì vậy Điện Biên gặp bất lợi nhất định trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư tư nhân trong nước và các dự án đầu tư từ nguồn vốn FDI.
Cùng với đó, là tỉnh miền núi, hệ thống giao thông kết nối giữa các huyện, xã gặp nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh đồng bằng. Xuất phát điểm về giáo dục và y tế thấp nên trình độ của người lao động cũng không cao, do vậy tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các ngành đòi hỏi lao động kỹ năng và trình độ công nghệ cao.
Hiện nay cơ chế, chính sách về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tại một số dự án còn hạn chế. Đơn cử, trong tổng số 93 dự án đang triển khai thực hiện có 16 dự án chậm tiến độ do công tác đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan.
Để thu hút đầu tư, thời gian tới tỉnh đã xác định tiếp tục chú trọng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại địa phương. Tập trung cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả Chương trình Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, triển khai hiệu quả Đề án chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đây phải là giải pháp quan trọng nhất và coi là xương sống trong việc thu hút các dự án, nguồn vốn từ cả trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, thiết lập một bộ tiêu chí cho đối tác dự định kêu gọi đầu tư, xây dựng một lộ trình cụ thể cho việc thu hút và sử dụng vốn, đưa ra những ưu đãi về thuế, chính sách, minh bạch trong các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế như: du lịch, nông nghiệp, năng lượng… Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị đồng bộ, nhất là đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục dự án đường cao tốc Điện Biên – cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1); nâng cấp lối mở A Pa Chải – Long Phú thành cửa khẩu.
Cùng với đó, đẩy mạnh hệ thống hóa, số hóa các số liệu, dữ liệu về các quy hoạch, môi trường đầu tư, các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai… nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chủ động tiếp xúc, làm việc với nhà đầu tư; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, đầu tư trên địa bàn. Sớm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để kết nối đồng bộ quy hoạch các cấp, ngành.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/217204/go-%E2%80%9Cdiem-nghen%E2%80%9D-trong-thu-hut-dau-tu