Mới đây, tại Hội nghị Gặp mặt đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: Các đơn vị, cơ sở, cá nhân cùng chung tay từng bước xây dựng hình thành đặc trưng bản sắc du lịch của tỉnh Điện Biên theo phương châm “thân thiện – an toàn – văn minh – độc đáo”, để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn bè, du khách, tạo đà bứt phá trong phát triển du lịch của tỉnh nhà. Trong đó chú trọng đến yếu tố bản sắc văn hóa của cộng đồng 19 dân tộc anh em, từ trang phục, văn nghệ, ẩm thực, sinh hoạt và đời sống…
Những năm qua, việc khai thác yếu tố văn hóa để phát triển du lịch tại địa bàn tỉnh ta đã tạo được dấu ấn nhất định với nhiều hoạt động, mô hình du lịch gắn liền với các cộng đồng dân tộc, góp phần đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.
Bếp Nhà hàng ẩm thực dân tộc Thái – Văn Phong, bản Noong Chứn, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ những ngày này luôn ấm lửa, nồng thơm các món ăn đặc trưng cùng các gia vị của núi rừng. Nơi đây từ lâu đã là một trong những điểm đến giao lưu, thưởng thức ẩm thực truyền thống được nhiều du khách lựa chọn. Từ đầu năm đến nay, du khách đến với Điện Biên tăng cao, Nhà hàng cũng bận rộn hơn. Nhà hàng được yêu quý lựa chọn là nhờ các món ăn đều giữ khẩu vị truyền thống riêng có của dân tộc Thái. Trong đó dân dã và được gọi nhiều hơn cả là các món nướng, nộm: thịt nướng, cá nướng, thịt băm gói lá, trâu gác bếp, nộm măng – rau, xôi nếp nương, canh bon da trâu…
Gìn giữ món ăn truyền thống và quảng bá ẩm thực nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung là điều mà Nhà hàng Văn Phong hướng tới. Ông Lò Văn Phong, Chủ nhà hàng chia sẻ: “Chúng tôi luôn chú trọng đến độ tươi ngon và hương vị món ăn, giữ nét đặc trưng riêng có trong ẩm thực người Thái mà ông bà, bố mẹ truyền lại. Tuy nhiên cũng thường trò chuyện, tham khảo khẩu vị du khách để không ngừng nâng cao chất lượng. Cùng với phục vụ ăn uống, chúng tôi cũng tổ chức giao lưu văn nghệ, múa sạp, múa xòe, đốt lửa trại để du khách tham gia trải nghiệm và hiểu hơn văn hóa dân tộc Thái”.
Cùng với ẩm thực, các mô hình homestay, bản văn hóa du lịch cũng góp phần quan trọng gìn giữ và quảng bá nét đẹp bản địa. Púng Tôm, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ là bản làng lâu đời của người Thái. Để đáp ứng nhu cầu lưu trú tăng cao, mới đây bản có gần 10 hộ làm homestay. Đến đây, du khách được hòa mình vào không gian sống gần gũi, ấm cúng, đậm đà bản sắc người Thái. Bà Cà Thị Doan, chủ một homestay chia sẻ: “Khi khách đến nghỉ tại bản, sẽ ở nhà sàn cùng chúng tôi, nhưng có không gian riêng, trang trí đẹp mắt, sạch sẽ, gọn gàng, đảm bảo các tiêu chí đón tiếp phục vụ du lịch. Mọi thứ vẫn giữ nguyên nét đặc trưng dân tộc Thái, từ những tiểu tiết như chất liệu vải, họa tiết thổ cẩm trên chăn, ga, gối, đệm… Mọi đồ dùng sinh hoạt đặc trưng dân tộc cũng được gìn giữ để khách tham quan, trải nghiệm”.
Ít ngày nữa, Lễ hội Hoa Ban năm 2024 và Khai mạc năm Du lịch quốc gia – Điện Biên sẽ diễn ra. Tại sự kiện quan trọng này cũng sẽ có nhiều hoạt động mang đến không gian văn hóa đa sắc màu của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà, như trình diễn nghệ thuật, vòng xòe đại đoàn kết, không gian văn hóa vùng cao, trải nghiệm trò chơi dân gian, nghề truyền thống… Điểm nhấn năm nay là Liên hoan Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Khèn Mông lần đầu tiên được tổ chức quy mô cấp tỉnh mở rộng. Cùng với đó là show thực cảnh giới thiệu huyền tích, lịch sử và các vũ điệu dân gian đặc sắc, văn hóa dân gian dân tộc Thái. Tất cả sẽ mang lại cho du khách những cung bậc cảm xúc khác nhau, cái nhìn đầy đủ, ấn tượng về mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, linh thiêng, tươi đẹp và giàu bản sắc văn hóa.
Với định hướng và những cơ hội từ các sự kiện lớn đang diễn ra (kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đăng cai năm Du lịch quốc gia), văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh ta chắc chắn sẽ ngày càng được quan tâm bảo tồn, gìn giữ, phát huy gắn liền với phát triển du lịch, dịch vụ. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng trung du, miền núi phía Bắc.