Mừng nhưng vẫn lo
Vừa xuất chuồng lứa lợn thịt 20 con, anh Vũ Văn Thắng, chủ một trại lợn trên địa bàn xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) rất phấn khởi vì giá lợn hơi tăng cao. Anh Thắng chia sẻ: “Thời gian trước toàn phải bù lỗ vì giá lợn hơi có lúc xuống quá thấp, không thể xuất bán mà nuôi tiếp thì chi phí lại tăng. Giờ với mức giá dao động từ 62.000 – 65.000 đồng/kg thì người nuôi lợn đã có lãi rồi. Do chủ động được con giống, trừ tất cả chi phí, mỗi con lợn có trọng lượng khoảng 100kg, có lãi từ 1 – 1,2 triệu đồng/con.”
Những ngày qua, gia đình anh Thào A Lử, thôn Đề Dê Hu II, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) rất phấn khởi khi giá lợn hơi tăng trở lại. Anh Lử cho biết: “Gia đình chăn nuôi với quy mô từ 10 – 20 con lợn thịt. Đây là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện nay, đàn lợn chuẩn bị đến thời điểm xuất chuồng, đúng lúc giá lợn tăng cao, gia đình rất vui. So với thời điểm này năm ngoái thì giá lợn hơi đã tăng 15.000 – 20.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi cũng được điều chỉnh giảm từ 300 – 500 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi có lãi sau thời gian dài gồng mình gánh lỗ do giá thức ăn cao, giá lợn xuất chuồng thấp.”
Giá lợn hơi tăng cao cũng là niềm vui của hầu hết các hộ, đặc biệt doanh nghiệp chăn nuôi lợn. Theo cơ quan chức năng, sở dĩ giá lợn hơi tăng là do một phần nhu cầu thị trường tăng. Thông thường, thời điểm đầu năm, sau khi xuất bán phục vụ thị trường tết, người dân sẽ tập trung tái đàn, tuy nhiên, do thời điểm đó, dịch tả lợn châu Phi lại tái phát nên việc tái đàn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi, trang trại giảm số lượng đàn lợn; thậm chí nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tạm ngừng không tái đàn do thua lỗ vì dịch bệnh. Điều này dẫn đến nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu.
Giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi có lãi cả triệu đồng/con lợn, nhưng nhiều hộ lại không còn lợn để bán vì dịch tả lợn châu Phi “càn quét”. Như trường hợp của gia đình chị Trần Thị Lương, đội 2, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), đợt dịch tả lợn châu Phi tháng 7/2024 khiến đàn lợn 20 con gần đến ngày xuất chuồng bị chết hết. Khi giá lợn hơi tăng cao thì gia đình đã không còn lợn để bán vì dịch bệnh.
Theo ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 198 hộ chăn nuôi ở 75 thôn, bản của 25 xã trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Điện Biên Đông và Mường Ảng); tổng số lượng phải tiêu hủy là 757 con lợn, với trọng lượng hơn 39 tấn, trong đó chủ yếu tập trung ở huyện Điện Biên. Có nhiều hộ dân chết cả đàn lợn vài chục con, thiệt hại kinh tế rất lớn.
Chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh trong khoảng 2 năm qua đối mặt với nhiều nghịch lý: Giá cám tăng – giá lợn giảm, giá lợn tăng – không còn lợn để bán. Nhiều hộ chăn nuôi, doanh nghiệp phải giảm đàn, thậm chí “treo chuồng” vì không gánh nổi thua lỗ. Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh, hiện nay đại đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ nuôi cầm chừng hoặc “treo” chuồng, còn doanh nghiệp, trang trại lớn hầu hết đã giảm đàn. Vì vậy, khi giá lợn tăng nhưng không còn lợn để bán.
Chưa vội tái đàn
Giá lợn hơi tăng cao đã nhen nhóm hy vọng cho người nuôi lợn. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn lưỡng lự nên hay không nên tăng đàn, tái đàn trong thời điểm hiện nay. Bởi, theo tính toán của người chăn nuôi, chi phí đầu tư cho mỗi con lợn đến khi đạt trọng lượng xuất chuồng (khoảng 100kg) mất khoảng từ 4 – 5 triệu đồng. Trong khi đó, rủi ro về dịch bệnh hiện nay là rất khó lường. Bên cạnh đó, giá lợn hơi trên thị trường cũng còn bấp bênh, rất khó dự đoán. Vì vậy, nếu vội vàng tái đàn, tăng đàn mà giá cả không ổn định hoặc dịch bệnh thì sẽ thua lỗ, không thu hồi được vốn, thậm chí mất trắng.
Anh Nguyễn Văn Thành, thôn An Bình, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) là một trong những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn xã (trước đây mỗi lứa gia đình anh nuôi từ 50 – 100 con lợn thịt), tuy nhiên hiện nay anh cũng chưa tái đàn, tăng đàn. Theo anh Thành, vì rất lo giá lợn hơi không ổn định và sợ gặp rủi ro dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn xã.
Vừa qua sau khi xuất bán 5 con lợn thịt, gia đình bà Mào Thị Chưởng, thôn Tiên Phong, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị nuôi lứa mới. Tuy nhiên, bà Chưởng cũng chưa dám mạnh tay nuôi số lượng nhiều mà chỉ nuôi khoảng 10 con (bằng 1/2 quy mô chuồng). Bên cạnh đó, giá cả tăng nhưng chưa ổn định, khó dự đoán và chi phí đầu vào vẫn cao, nên gia đình không vội tăng đàn.
Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt gần 322.000 con, trong đó chủ yếu chăn nuôi nông hộ. Giá lợn hơi tăng là một trong những tín hiệu tích cực, tạo đà cho ngành chăn nuôi của tỉnh khởi sắc. Điều này vừa là cơ hội cũng là thách thức, người chăn nuôi vẫn lo lắng với bài toán chất lượng và rủi ro tái đàn. Bởi theo xu hướng thị trường, giá xuống rồi lại lên, mặt hàng nào khan hiếm thì đội giá.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết: Trong thời gian này, khi xem xét, lựa chọn tái đàn, người chăn nuôi, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc, chủ động theo dõi tín hiệu từ thị trường. Đồng thời, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Đối với các hộ đã bị dịch tả lợn châu Phi, cần lưu ý công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại để tránh những rủi ro về dịch bệnh sẽ tái phát sau khi tái đàn.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/217839/gia-lon-hoi-tang-nguoi-nuoi-van-than-trong-tai-dan