Nhiều năm qua, ông Chuyền luôn tích cực tuyên truyền vận động người dân làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Chuyền chia sẻ: Ðể tận dụng nguồn lực về đất đai, nguồn nước, tôi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo tôi, mình có làm trước thì dân bản mới làm theo. Hiện tại gia đình tôi có 1ha cà phê, 1ha mắc ca và 8.000m2 ao nuôi cá. Kết hợp lại, mỗi năm mô hình cho gia đình nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng. Thấy mô hình kết hợp, cây trồng và thủy sản của gia đình tôi có hiệu quả kinh tế cao, ít tốn nhân công chăm sóc, nhiều hộ trong bản dần học tập làm theo.
Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa cho biết: Do địa hình vùng cao, trước kia hướng phát triển sinh kế của dân bản chủ yếu là làm nương năng suất thấp và chăn nuôi tự phát nên đời sống rất khó khăn. Từ năm 2009, khi bắt đầu có dự án trồng cà phê, ông Chuyền là trưởng bản Bó (trước khi sát nhập thành bản Bó Giáng), đã là một trong những người tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ðồng thời, với vai trò là trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, ông Chuyền tích cực vận động bà con cùng làm.
Năm 2015, trên địa bàn huyện bắt đầu có dự án trồng mắc ca; bản Bó cũng là một trong những bản đầu tiên chuyển đổi. Nhờ vị thế, uy tín của mình, ông Chuyền đã khuyến khích đa số người dân trong bản học tập, làm theo. Ðể khai thác tối đa những lợi thế sẵn có của địa phương, tại những thung lũng trên địa bàn, già làng Chuyền khuyến khích bà con đắp thành ao để nuôi thủy sản, trồng cỏ voi làm thức ăn nuôi cá và các loại gia súc khác. Hiện tại cả bản Bó Giáng có 144 hộ, trên 600 nhân khẩu (còn 36 hộ nghèo). Từ những mô hình kết hợp, các hộ dân trong bản dần ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo bền vững.