Thời gian qua, các dự án thủy điện đi vào vận hành khai thác được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, nước mặt, duy trì vận hành khai thác ổn định; thực hiện bảo trì, bảo dưỡng nhà máy thủy điện thực hiện thường xuyên. Nhiều dự án triển khai đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng – sở hữu – vận hành (BOO), nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án thủy điện là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp (tương đương 30% tổng mức đầu tư của dự án) và nguồn vốn vay tín dụng khác của nhà đầu tư (tương đương 70% tổng mức đầu tư).
Về lưới điện truyền tải Dự án tuyến đường dây 22kV Sơn La – Điện Biên đã hoàn thiện công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và được Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. Hiện tại chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện thủ tục về đầu tư xây dựng, thực hiện các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng trên địa bàn 2 tỉnh (dự kiến hoàn thành tháng 1/2024). Dự án tuyến đường dây 110kV Mường Chà – Thủy điện Long Tạo khởi công xây dựng tháng 1/2021 đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất năng lượng phức tạp, nhà thầu đang dừng thi công. Hiện nay, toàn tỉnh có 18 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, tổng công suất lắp máy 263,3MW; nhóm thủy điện đang thi công xây dựng gồm 6 dự án với tổng công suất lắp máy 76,5MW trong đó dự kiến hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành khai thác trong năm 2023 thủy điện Đề Bâu và Mường Luân.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, chi nhánh các ngân hàng thương mại và các sở, ngành, địa phương đã làm rõ tồn tại, vướng mắc nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ thực hiện, sớm đưa các công trình dự án năng lượng vào khai thác vận hành, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn đề nghị các sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra hoạt động các nhà máy thủy điện, đảm bảo duy trì vận hành khai thác an toàn, ổn định. Đôn đốc chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng đảm bảo tiến độ hoàn thành; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, giải quyết thủ tục hành chính. Phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; phê duyệt phương án bồi thường theo quy định. Các nhà đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đã được UBND tỉnh phê duyệt; đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động, bảo vệ môi trường; thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.