Cuốn sử thi bằng nghệ thuật
Show diễn thực cảnh “Huyền tích U Va” tổ chức tại bản U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, gồm 3 chương: Chương I – Huyền tích về người Thái và U Va (sự tích quả bầu), những dấu ấn cổ xưa của tộc người Thái; Chương II – Truyền thuyết khăn Piêu (ngợi ca tình yêu và huyền thoại Khau cút); Chương III – Nghi lễ và văn hóa – nét đẹp nhân văn, lâu đời, niềm tự hào của người Thái và sự liên kết giữa hiện tại và quá khứ (giữa con người ngày nay và gốc tích, nguồn cội). Bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc, show thực cảnh tái hiện huyền tích lịch sử và các vũ điệu dân gian độc đáo, văn hóa dân gian dân tộc Thái do các nghệ nhân dân gian, diễn viên quần chúng tại xã Noong Luống kết hợp giữa và diễn viên múa chuyên nghiệp biểu diễn.
Không chỉ vậy, trong mỗi chương của show diễn đều tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái, dưới hình thức sân khấu hóa các lễ hội, nghi thức truyền thống của dân tộc Thái, như: Gội đầu, Xên bản, Xên mường (cầu mùa, cầu phúc), Hạn Khuống, Hoa Ban, Xăng Khan… Các điệu múa xòe, nhảy sạp, múa trong lễ Xên pang. Các trò chơi dân gian Ném còn, kéo co, cà kheo, leo cây, hát đối đáp, té nước trong đám rước dâu… Như trong cảnh một là truyền thuyết về người Thái sinh ra từ quả bầu mẹ, được thần nhân Quan Cong rút dao đeo trên cổ chém và khoét thành cửa ở mặt phía phải quả bầu. Người Thái ùn ùn kéo ra, họ vừa đi vừa đánh trống, chiêng, chũm chọe, xòe múa, hát hò… Còn tại cảnh hai, các tiên nữ hạ phàm xuống U Va chơi đùa, múa hát, gội đầu hất tung mái tóc tạo cầu vồng nước. Tiếp đó là màn biểu diễn của chính người dân bản U Va trong vai những thiếu nữ người Thái trong lễ hội gội đầu được sân khấu hóa và nghệ thuật hóa xõa tóc và xoay tóc trong lễ hội gội đầu của dân tộc Thái. Đây là một trong nhiều phân cảnh để lại ấn tượng với người xem.
Lễ Hạn Khuống của người Thái cũng được khéo léo tái hiện trong show thực cảnh để làm sợi dây kết nối mối tình của chàng Lú và nàng Ủa – hai nhân vật chính của show diễn. Trên sân khấu, ngọn lửa Hạn Khuống cháy sáng rực, cây lắc xáy lung linh nhiều màu sắc. Sau màn hát đối đáp bằng những bài ca dân gian dân tộc Thái, từng cặp nam thanh nữ tú ngồi sát bên nhau, thể hiện tâm tư, tình cảm, tìm hiểu nhau qua lời hát, qua tiếng đàn, tiếng sáo, qua tài năng lao động như thêu thùa, dệt vải, quay tơ, đan chài lưới, đan các vật dụng từ tre, nứa trong gia đình… Chàng Lú được nàng Ủa chấp nhận cho ngồi lên sàn Hạn Khuống, hai người vừa ngồi tâm tình vừa dệt vải cùng nhau, nàng Ủa tặng Lú chiếc khăn Piêu thêu một cây hoa Ban nở rộ, như vật định tình cho hai người. Rồi mối tình của chàng Lú và nàng Ủa trải qua bao sóng gió khiến cho thang Khau Cát bị chặt đứt dẫn đến sự ra đời của cây hoa Ban.
Trực tiếp tham gia luyện tập, biểu diễn nên ông Lò Văn Cu không vắng mặt buổi nào trên sân khấu. Bởi vậy, kịch bản nghệ thuật, các phân đoạn biểu diễn ông đều thuộc nằm lòng. Ông Lò Văn Cu tâm sự: “Như cá nhân tôi thấy tổng thể chung cả buổi biểu diễn đã làm tái hiện rất tốt những nét văn hóa đặc trưng nhất của dân tộc Thái chúng tôi. Chúng tôi như nhìn thấy và được hòa mình vào những câu chuyện kể của cha ông ngày trước về mường Trời, về dây Khau cát… Có một vài điểm cá nhân tôi thấy chưa phù hợp, chưa đúng lắm, như: Cách gọi Then trên, Then dưới, hay sính lễ trong đám cưới của người Thái, việc chặt dây Khau cát… cũng đã góp ý lại với Ban Tổ chức để điều chỉnh rồi. Nhìn chung đến thời điểm này, người dân trong bản vui lắm! Nhất là khi chương trình biểu diễn này còn được định hướng để làm du lịch cho bản”.
Sản phẩm du lịch đầy tiềm năng
Ngay trong đợt cao điểm Lễ hội Hoa Ban 2024, đã có 4 đêm tổ chức biểu diễn thực cảnh “Huyền tích U Va” phục vụ đại biểu, người dân và du khách. Không đêm diễn nào sân nhà văn hóa bản U Va không chật kín khán giả. Ngay tối 13/3, show phải diễn 2 suất mới đáp ứng được sự hào hứng chờ đón của rất nhiều người. Điều đó cho thấy sức “nóng” từ một chương trình biểu diễn độc đáo, riêng có của Điện Biên. Sau những đêm diễn thành công đó, show tạm dừng biểu diễn để có thể chuyển giao lại cho cơ quan chuyên môn tiếp quản, từ vấn đề ánh sáng, âm thanh đến đạo cụ, trang phục… Và đặc biệt hơn cả là phải có một đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp thay thế cho 20 diễn viên của công ty tổ chức sự kiện tham gia biểu diễn vào trung tuần tháng 3.
Từ đầu tháng 4/2024, Đoàn Nghệ thuật tỉnh đã được giao tiếp quản show diễn thực cảnh “Huyền tích U Va” và đang tích cực chuẩn bị để sớm đưa show diễn trở lại sân khấu. Bà Điêu Thị Thực, Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh cho biết: Khi được giao nhiệm vụ tiếp nhận show diễn thực cảnh, đoàn cũng xác định phải làm sao để tiếp tục duy trì, khai thác, phát huy giá trị của show, tiếp tục giới thiệu huyền tích, lịch sử và truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái gắn với điểm đến du lịch để phục vụ nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm của du khách. Đặc biệt nhất là phải làm sao để đưa show diễn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khắc họa đậm nét văn hóa, lịch sử về vùng đất, con người Điện Biên phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Bởi vậy thời gian qua, đoàn đã và đang thực hiện việc tiếp nhận bàn giao toàn bộ nội dung liên quan đến show diễn; đồng thời, tiếp tục biên đạo dàn dựng lại các vai diễn của khối diễn viên chuyên nghiệp, tập luyện, hợp luyện và dự kiến biểu diễn từ ngày 30/4 – 3/5 tại bản U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhân dân và du khách trong thời gian tiếp theo.
“Hiện nay, Đoàn đang xây dựng dự toán, kinh phí dàn dựng chương trình, trang phục đạo cụ, bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn theo quy định hiện hành; lắp đặt, phục vụ âm thanh, ánh sáng trong việc luyện tập, tổng duyệt và biểu diễn. Còn đội múa đang biên đạo, tập luyện và dàn dựng, bổ sung lực lượng khối diễn viên chuyên nghiệp đảm bảo tiến độ. Đoàn tiến hành tập từ ngày 16 – 18/4, tiến hành hợp luyện từ ngày 19 – 21/4. Dự kiến buổi tổng duyệt sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 29/4 tới đây. Đoàn cũng đang đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Sơn tổ chức bàn giao toàn bộ các nội dung liên quan đến show diễn thực cảnh “Huyền tích U Va” Đoàn và các đơn vị thuộc huyện Điện Biên trước ngày 20/4/2024 để chuẩn bị cho buổi tổng duyệt chương trình. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Điện Biên chỉ đạo đơn vị chuyên môn và UBND xã Noong Luống tiếp nhận bối cảnh sân khấu, không gian biểu diễn tại khu vực Nhà văn hóa bản U Va. Việc quan trọng hơn cả là tuyên truyền, vận động nhân dân bản U Va, xã Noong Luống giữ gìn, bảo vệ bối cảnh sân khấu và cơ sở vật chất phục vụ cho show diễn, tiếp tục tập luyện để chuẩn bị điều kiện cho việc mở lại các show diễn trong thời gian tới” – Bà Điêu Thị Thực chia sẻ.
Nhiều du khách đã khẳng định, Huyền tích U Va không chỉ là một show diễn thực cảnh mà còn là một hành trình sâu lắng khám phá lịch sử và văn hóa của người Thái. Bởi vậy, việc show diễn được tiếp tục biểu diễn, không cần đều đặn hàng ngày mà tập trung vào một buổi tối cuối tuần là hoàn toàn có tính khả thi. Không chỉ vậy, show diễn còn gắn với cảnh quan thiên nhiên Khu Du lịch khoáng nóng U Va và hồ sen U Va. Nếu được như vậy, show diễn sẽ trở thành một điểm nhấn, làm đa dạng, phong phú thêm sản phẩm, mở rộng thêm bản đồ du lịch của tỉnh xuống khu vực huyện Điện Biên.