Theo đại biểu Tạ Thị Yên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia chính là năng lực cạnh tranh của các đô thị lớn, nơi tập trung tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ đô Hà Nội cùng với các đô thị lớn của nước ta đang gánh vác những trọng trách như vậy. Do đó, đại biểu nhất trí cao với các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội theo yêu cầu tại các văn kiện của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển Thủ đô, đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Đại biểu cũng đánh giá cao các quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô trong quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị để thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Trung ương về “tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng”, tạo sự linh hoạt cho thành phố Hà Nội, nhất là khi một số quy định về điều chỉnh quy hoạch đã được thể hiện tại các nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, thành phố Hải Phòng và mới đây nhất là Thành phố Hồ Chí Minh đã được cho phép.
Về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển khu công nghệ cao, đại biểu đồng tình với quy định về một số cơ chế đặc thù để phát triển KHCN, các khu công nghệ cao của Thủ đô như dự thảo luật. Với nhận thức hoạt động KHCN hiện nay và tới đây sẽ luôn là thế mạnh của Thủ đô, nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu, phát triển KHCN và đội ngũ các nhà khoa học lớn nhất cả nước, là nơi có các viện hàn lâm khoa học, đại học quốc gia, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc… nên rất cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển và phát huy hiệu quả việc triển khai trên thực tế, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn ở quy mô quốc gia, cũng như quy mô ngành, lĩnh vực, địa phương rất khẩn trương như hiện nay.
“Để tránh việc khó khăn, lúng túng trong việc lượng hóa, đo đếm được chỉ tiêu, mục tiêu, hiệu quả cụ thể, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần chú ý đến những quy định chi tiết hơn để tăng tính khả thi, hiệu lực của các điều luật về phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số”, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.
Nhận xét về các quy định mới trong dự thảo Luật về phát triển nhà ở, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông Thủ đô, đại biểu cho rằng những quy định này cơ bản đáp ứng những vấn đề thực tiễn của Thủ đô nên đồng tình, ủng hộ. Ví dụ, quy định bổ sung về phát triển nhà ở, nhất là chính sách phát triển nhà ở xã hội và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ nát, đã hết hạn sử dụng nhằm bảo đảm an toàn cho người dân; quy định phân quyền cho thành phố Hà Nội trong việc quản lý, bảo trì các tuyến đường nằm trên địa bàn Hà Nội, nhất là những quy định về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, cũng như phát triển logistics, hệ thống vận tải hành khách công cộng vùng Thủ đô; khuyến khích áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông Thủ đô…
Về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô, đại biểu đồng tình với nội dung của dự thảo Luật. Bởi thực tế triển khai các quy định này thời gian qua cho thấy, các cơ chế, chính sách thí điểm này là phù hợp, có hiệu quả, nên cần được luật hóa để thực hiện chính thức, trong đó có quy định cho phép Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu từ đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội của Thủ đô, vùng Thủ đô.
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, Hà Nội là địa phương có số thu ngân sách nhà nước lớn thứ 2 cả nước (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh), nên cũng cần phải chú ý đến tổng thể cân đối chung trong ngân sách đối với các lĩnh vực và địa phương khác.