Nằm ở trung tâm xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé với tứ bề là núi, đồi bao bọc, bản Tả Kố Khừ với 108 hộ, gần 520 nhân khẩu, 99% là người dân tộc Hà Nhì Lạ Mí. Ðồng bào Hà Nhì vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nên được chính quyền địa phương quy hoạch để phát triển du lịch cộng đồng. Hoạt động du lịch tại bản đã được chính quyền địa phương quan tâm, đang xây dựng quy hoạch để phát triển trong thời gian tới với việc khảo sát và dự kiến có 5 hộ gia đình làm homestay trong bản; xây dựng đội văn nghệ 20 người với các bài múa truyền thống chuyên nghiệp, bài bản. Chính quyền địa phương đã có kế hoạch đưa các thành viên trong bản đi tham quan mô hình làm du lịch cộng đồng… Hiện ở xã Sín Thầu có 1 gia đình có nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ lưu trú với 1 nhà sàn có 9 phòng, lưu trú được 20 khách trở xuống.
Tuy nhiên, để có thể đi vào hoạt động phát triển thành điểm dừng chân, điểm du lịch văn hóa cộng đồng cần có thêm thời gian hoàn thiện, xây dựng và bổ sung thêm các yếu tố cả về nhân lực, vật lực. Vấn đề lớn ở Tả Kố Khừ là công tác quản lý cảnh quan môi trường cần được quan tâm sát sao hơn. Trước mắt là cần có điểm thu gom rác thải, vệ sinh đường nội bản, tránh xả rác thải ra suối…
Còn bản Mánh Ðanh nằm ở phía Tây Nam của xã Ẳng Cang, có địa thế khá thuận lợi khi chỉ cách trung tâm xã 4km, cách trung tâm huyện Mường Ảng 6km. Bản nằm ngay bên cạnh hồ Ẳng Cang, với 100% là dân tộc Thái sinh sống, có những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc luôn được gìn giữ và phát huy như: Nhà sàn truyền thống, dệt thổ cẩm, đan lát, hát đối, hát giao duyên, lễ cúng xên bản, xên mường… Bên cạnh đó, bản nằm trên độ cao hơn 600m so với mực nước biển, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu mát mẻ. Hệ thống thảm thực vật, cảnh quan của bản còn nguyên sơ, đa dạng, phong phú với diện tích lớn, có nhiều mạch nước ngầm chảy tạo ra những dòng suối trong mát, uốn quanh các ngọn núi. Cách bản khoảng 100m có dòng thác Pá Liếng nước chảy quanh năm, nguồn nước trong sạch và mát. Ðây là điểm nhấn để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá những nét đặc trưng riêng của bản. Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng về tự nhiên nhưng chưa được đầu tư nên việc khai thác để phát triển du lịch còn gặp nhiều hạn chế. Qua thực tế khảo sát, hệ thống đường giao thông từ trung tâm huyện vào bản chưa được nâng cấp; nhà văn hóa bản chuẩn bị được đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ, hệ thống các trục đường bản, liên bản chưa được cứng hóa toàn bộ, gây khó khăn cho việc đi lại. Một số hộ gia đình có khả năng phục vụ khách lưu trú còn thiếu các trang thiết bị cần thiết: Chăn, ga, gối đệm, mạng wifi, công trình phụ….
Thêm một ví dụ khác đó là tại bản Tênh Phông, huyện Tuần Giáo. Nằm trên độ cao từ 1.200m – 1.800m so với mực nước biển, Tênh Phông quanh năm khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm là 160C, nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ, nhiều ngọn núi, khu rừng, thác nước đẹp, tầm quan sát bao quát cả một vùng lân cận. Cùng với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, ở đây còn phân bố và trồng được nhiều loài dược liệu quý như: Sâm Ngọc Linh, linh chi. Diện tích trồng các loại dược liệu không ngừng được mở rộng, xã Tênh Phông xác định là loại cây trồng được kỳ vọng mở ra hướng mới giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương. Hiện nay, sản phẩm du lịch của Tênh Phông mới chỉ dừng ở mức độ tiềm năng. Khu vực trồng dược liệu và khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn nếu được quan tâm, đầu tư khai thác đúng hướng. Trong khi hiện nay các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch hầu như chưa có. Các dịch vụ như lưu trú, phục vụ ăn uống, hướng dẫn du lịch, vui chơi giải trí chưa phát triển. Hiện tại chỉ có 2 – 3 hộ dân có thể phục vụ ẩm thực cho du khách có nhu cầu với số lượng rất khiêm tốn…
Trong giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn xa hơn, tỉnh ta cũng xác định triển khai nội dung phát triển du lịch nông thôn gắn liền với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Thực hiện mục tiêu đó, đến thời điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 – 2025 và trình UBND tỉnh ban hành; đồng thời, đang hoàn thiện, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch cụ thể, chi tiết các nội dung thực hiện các chuyên đề trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 – 2025. Thế nhưng việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được. Ðiện Biên vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch. Trong khi hiện nay hầu hết các quy hoạch, dự án liên quan đến du lịch chưa được triển khai, do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc… Bởi vậy, du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ta muốn phát triển được rất cần sự quan tâm, đầu tư cả về nguồn lực, trí tuệ và tâm huyết để có thể khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có.