Đến ngày 31/10/2023 hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã giải ngân trên 638 tỷ đồng cho gần 18.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, trên 8.600 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; trên 3.400 lượt hộ tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển kinh doanh; trên 1.400 lượt người lao động được vay vốn tạo việc làm; gần 3.000 lượt hộ được vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn; gần 1.300 lượt hộ dân tộc thiểu số được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP để làm nhà ở, tạo đất ở đất sản xuất... Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh từ 30,55% (năm 2022) xuống còn gần 27%.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn, bất cập tại cơ sở và đề xuất các giải pháp trong quá trình thực hiện thời gian tới được hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Nam biểu dương Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn cũng như với Ban Giám đốc Chi nhánh. Thời gian tới đề nghị Ban đại diện HĐQT tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm, đặc biệt đối với cấp xã theo hướng phân công nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, có định hướng giải ngân tập trung vào các dự án có hiệu quả trong đó ưu tiên cho các nơi tổ chức triển khai thực hiện tốt tín dụng chính sách, ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình giảm nghèo gắn với các chương trình nông thôn mới. Đề nghị các tổ chức chính trị xã hội quan tâm triển khai các chương trình, mục tiêu đề án của hội, đoàn thể mình gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách, lưu ý nhiều hơn đến các Tổ tiết kiệm và vay vốn do mình quản lý để củng cố kiện toàn, không còn tổ yếu, kém nhằm tạo hiệu quả việc sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách.