Đối với Luật Đất đai (sửa đổi) đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về việc phân loại đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm. Một số ý kiến đề xuất làm rõ công tác thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất. Cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền…
Tham gia vào Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu đề xuất xem xét lại sự trùng lặp về hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; bổ sung việc cắm mốc vào quy định của Chính phủ về việc lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; làm rõ quy định về phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ. Đồng thời, bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước; đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; biện pháp sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo về tài nguyên nước…
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, làm rõ quy định về việc chuyển mục đích sử dụng nhà ở riêng lẻ sang làm các chung cư mi ni đối với Luật Nhà ở (sửa đổi); quy định các dự án xây dựng nhà ở cho bán đất nền hay xây thô để bán; đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Cần cụ thể hình thức, nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hình thức phát triển nhà ở xã hội; quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư nhà ở xã hội.
Đối với Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu đề nghị làm rõ danh tính điện tử của công dân Việt Nam; cân nhắc làm rõ thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; làm rõ đối tượng người chưa đến độ tuổi phải đổi thẻ căn cước. Thông tin cụ thể của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước; các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; người được cấp thẻ căn cước; việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; việc cấp và quản lý căn cước điện tử…
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Lò Thị Luyến tiếp thu ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu tại hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ, trung thực để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện các dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tới. Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn các đại biểu tiếp tục có những ý kiến đóng góp thiết thực bằng văn bản, góp phần đưa các dự án luật phù hợp thực tế, đi vào cuộc sống.