Tiên phong phát triển kinh tế
Dự Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV, chúng tôi gặp lại lão nông triệu phú Ngải Cù Lỷ (dân tộc Hoa), bản Đề Bua, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ. Vẫn rắn rỏi như cây lim và nụ cười đôn hậu của 5 năm trước, khi tôi cùng ông Lỷ vượt những con dốc dựng đứng, vén từng bụi cây để lên trang trại nuôi trâu, bò, ngựa… rộng bằng mấy quả đồi của gia đình ông. Hồi ấy, ở Phìn Hồ khi người dân vẫn còn nghèo khó thì ông Lỷ đã cất được ngôi nhà gỗ khang trang, đẹp nhất bản; mua sắm đầy đủ máy móc phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Là người không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm, tận dụng đất đai rộng lớn, ông Lỷ đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua trâu, bò, ngựa giống về nuôi. Ông Lỷ chia sẻ: Ban đầu ông xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo “đông ấm, hè mát”, sau đó bắt tay vào nhân giống đàn trâu, bò, ngựa. Để có đàn gia súc tốt, ông Lỷ gây đàn bằng việc chọn lựa những con to khỏe và loại bỏ dần con nhỏ, yếu. Ông còn trồng 1ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, thực hiện tiêm phòng đầy đủ và theo dõi đàn vật nuôi. Từ chỗ nuôi bò theo hình thức thả rông, tới nay ông Lỷ đã gây dựng trang trại rộng gần 20ha lớn nhất nhì huyện Nậm Pồ; hiện tổng đàn trâu, bò, ngựa đã hơn 150 con.
Chưa dừng lại ở đó, với tinh thần sáng tạo, ông Lỷ còn khai hoang trồng 2ha lúa nước, nuôi hàng trăm con gia cầm các loại. Đường sá được trải nhựa, bê tông hóa, thương lái từ khắp nơi về nhà ông Lỷ mua trâu, bò, ngựa… Với giá thành 10 – 15 triệu đồng/con bò, bán nông sản, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình trên 200 triệu đồng/năm.
Anh Mùa A Cháng, bản Tả Phìn, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) cũng vinh dự là một trong những đại biểu tham dự Đại hội các DTTS tỉnh. Chúng tôi đã rất ấn tượng khi tìm hiểu về mô hình Homestay A Cháng của anh. Anh Cháng là người đi đầu khởi nghiệp thành công từ mô hình homestay; không chỉ làm thay đổi cuộc sống gia đình mình mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cả cộng đồng. Anh Cháng cho hay: Trước khi bén duyên với du lịch cộng đồng, anh đã từng làm nhiều công việc khác nhau. Năm 2019, anh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng đầu tư dịch vụ lưu trú theo hình thức homestay.
Anh Cháng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay trên diện tích 200m2 gồm 1 nhà sàn, sân sinh hoạt chung, phục vụ dịch vụ lưu trú, ăn uống… Cùng với đó, anh Cháng chủ động tiếp cận công nghệ, tăng cường quảng bá mô hình lưu trú qua mạng xã hội. Trung bình mỗi năm Homestay A Cháng đón khoảng 50 – 60 đoàn khách đến lưu trú, ăn nghỉ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ước đạt khoảng 170 – 200 triệu đồng/năm. Hiện cơ sở homestay tạo việc làm cho 5 lao động, có thu nhập ổn định. Cũng theo anh Cháng để đáp ứng nhu cầu của du khách, thời gian tới anh dự định mở thêm cơ sở homestay mang phong cách hiện đại, độc đáo nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tây Bắc.
Cầu nối cấp ủy và nhân dân
Với vai trò là Bí thư chi bộ bản Kéo, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, nhiều năm qua, anh Lò Văn Khụt (dân tộc Xinh Mun) luôn tận tụy với công việc chung, đóng góp nhiều công sức trong phong trào xây dựng nông thôn mới để đưa bản Kéo từng bước thay đổi, phát triển…
Bản Kéo là bản có phần lớn dân số là người Xinh Mun sinh sống, kinh tế phụ thuộc làm nông nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong vai trò là Bí thư chi bộ, anh Khụt phối hợp với cán bộ chính quyền tuyên truyền, triển khai tới bà con trong bản về các tiêu chí cũng như giải pháp để đạt chuẩn NTM.
Anh Khụt chia sẻ: “Muốn tuyên truyền, thuyết phục được bà con thì mình phải là người gương mẫu đi đầu, rồi phải thuyết phục từ người thân, gia đình mới vận động được bà con trong bản”. Anh Khụt là người đầu tiên đóng góp 200 nghìn đồng ủng hộ xây dựng nhà văn hóa bản và vận động anh em, gia đình đóng góp tiền xây dựng nhà văn hóa. Từ lời nói và hành động của anh Khụt, các hộ dân trong bản đã tin tưởng, làm theo, mỗi hộ đóng góp 200 nghìn đồng, ngày công lao động, chung tay góp sức hoàn thành công trình nhà văn hóa khang trang, rộng 120m2. Từ sự cộng đồng chung tay của người dân, trong đó có vai trò đầu tàu của anh Khụt mà đời sống nhân dân bản Kéo ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 87/148 hộ; cả bản có 25 hộ khá giả.
Cũng là một nhân tố điển hình trong đồng bào DTTS, vinh dự có mặt tại Đại hội, ông Giàng A Cu, người có uy tín, nghệ nhân ưu tú bản Huổi Lanh, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) không chỉ là cầu nối tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS, ông còn làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh.
“Văn hóa của dân tộc Mông thể hiện qua phong tục tập quán, trang phục dân tộc, ẩm thực và nhiều nét đặc trưng, khác biệt so với các dân tộc khác… Để bảo tồn nét đẹp văn hóa, tôi đã không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình; đồng thời tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh; ngăn chặn sự truyền bá các loại văn hóa phẩm độc hại; bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục, phòng chống tệ nạn xã hội ở địa phương” – ông Giàng A Cu chia sẻ.
Đại biểu về dự Đại hội các DTTS tỉnh lần thứ IV là những vị tiêu biểu, đại diện cho rất nhiều đồng bào từ các bản làng, các dân tộc khác nhau trên địa bàn tỉnh. Dù ở các cương vị, chức vụ khác nhau nhưng mỗi tấm gương tiêu biểu trong đồng bào DTTS luôn thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là điểm tựa tinh thần trong cộng đồng các dân tộc. Họ đã cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh nơi cực Tây Tổ quốc.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/219430/dien-hinh-tieu-bieu-dong-bao-dan-toc-thieu-so